Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

đưng sợ

"Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." (Lc 5,10)


Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng con: hãy cùng nhau ra khơi. Chúa bảo chúng con hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả. Chúa bảo chúng con đừng sợ, đừng yếu lòng vì Chúa luôn ở bên chúng con. Vâng lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian để lôi kéo chúng con ra khỏi vực sâu tội lỗi và sự dữ. Biển cả, sông sâu tượng trưng cho sức mạnh của ma quỷ cũng phải quy phục trước quyền năng của Chúa. Xin cho chúng con biết vâng theo Lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và quyền năng Chúa để chiến thắng những hấp lực của ma quỷ. Xin cho chúng con được cùng với Chúa cứu giúp những anh em đang chìm đắm trong lạc thú và ngụp lặn trong hố sâu của lầm lỗi. Xin cho các tội nhân sức mạnh để vượt thoát khỏi những bùn nhơ tội lỗi.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con còn nhiều yếu đuối, xin nâng đỡ chúng con. Xin ban ơn tha thứ và giúp chúng con mau mắn đứng dậy sau những lần vấp ngã. Xin đừng để chúng con ngụp lặn trong hố sâu của tội lỗi, nhưng luôn biết sống thanh thoát trong tự do của con cái Thiên Chúa. Amen


Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Chúa Chữa trị bệnh tật

Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa 
cho các thành khác nữa (Lc 4,43).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại hy sinh để chúng con đem niềm vui đến chốn u sầu, đem ủi an đến chốn thất vọng. Xin loại trừ trong chúng con sự ích kỷ và tính hưởng thụ cá nhân, để chúng con biết sống vì lợi ích tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho thế giới chúng con sống có nhiều người quảng đại như Chúa để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa, chúng con cũng mang tình yêu và sức sống của Chúa hòa tan trong thế gian. Amen


Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Lời nói và cuộc sống

Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, 
vì lời của Người có uy quyền (Lc 4,32).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là thầy dạy có uy quyền. Lời Chúa nói có thể thay đổi vận mạng một đời người. Lời Chúa nói có thể làm cho ma quỷ khiếp sợ. Lời Chúa đã mang lại bình an và hoan lạc cho biết bao con người. Xin Chúa nhận chúng con làm học trò của Chúa. Xin dạy chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa. Xin thánh hoá môi miệng chúng con, để chúng con nói lời của Chúa. Xin cho lời chúng con nói luôn mang lại tình hiệp nhất, yêu thương. Xin loại trừ trong chúng con những lời thoá mạ anh em, những lời cay độc kết án anh em. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường để chúng con sống và làm nhân chứng cho Chúa. Xin dẫn dắt chúng con đi theo chân lý vẹn tuyền. Xin đừng để chúng con lạc xa tình Chúa và tình anh em. Amen

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

số phận của ngôn sứ


Vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người côngchính thánh thiện.”(Mc 6,20).

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Sống mầu nhiệm thập giá

Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì (Mt 16,26).

 
CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Đi theo quan chức thế gian thì được chào mời với những lời lẽ đầy hoa mỹ, với những hứa hẹn đầy bổng lộc vật chất. Nhưng đi theo Đức Kitô thì ngược lại.
Tin Mừng thánh mattheu hôm nay cho thấy: khi tâm trí của các tông đồ hình như đang hướng về một lý tưởng thiên sai trần thế và có tính quốc gia thì Chúa Giêsu bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận bi đát đang chờ đợi Người. Số phận bi đát đang chờ đợi Đức Giêsu cũng có nghĩa là nó cũng đang chờ đợi các tông đồ, ở phía trước đoạn đường mà các ông đang tiến tới.
Nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu qua các trang Tin Mừng, chúng ta biết ngay sứ mạng của Người. Khi vừa chào đời, mạng sống của Người đã bị đe dọa. Khi vào cuộc sống công khai, Người đã bắt đầu đi dưới bóng cái chết; và cái chết càng lúc càng tỏ hiện rõ ràng hơn. Và hôm nay, Người muốn các môn đệ của Người ý thức rằng họ đang đi theo một vị Thầy đã chấp nhận một cuộc sống hiểm nghèo, thì mới đưa lại hạnh phúc cho người khác. Các tông đồ dường như không muốn hiểu sự thật phũ phàng này. Vì thế, Phêrô đã lên tiêng ngăn cản.
Phản ứng của Phêrô cũng là phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Vị tông đồ muốn có sự thoả hiệp, sự thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Mới đây còn là gương mẫu của người tin, nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường như Tên Cám Dỗ đã đề nghị. "Xin Thiên Chúa thương đừng để thầy gặp phải chuyện ấy".
Chúa Giêsu đã phải quở trách Phêrô rằng: "Anh cản lối Thầy": Phêrô trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp ngã. Mới đây Phêrô là “tảng đá trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ Phêrô thành tảng đá “cản lối Thầy.
Phêrô là người phát ngôn thay cho nhóm môn đệ, giống như ông đã tuyên xưng đức tin, với những lời lẽ của các môn đệ và lời tuyên xưng của Giáo Hội. Hẳn là Phêrô không chỉ phản đối nhằm phi bác đau khổ của Đức Giêsu, mà còn phi bác đau khổ của người môn đệ và của Giáo Hội. Đức Giêsu đã phản ứng rất mạnh mẽ với lời can gián của Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy. Lời này nhắc lại chước cám dỗ cuối cùng trong ba cám dỗ, khi Đức Giêsu loại bỏ việc thống trị thế giới theo đề nghị của ma quỷ.
Sau khi đã quở trách Phêrô, Đức Giêsu đưa ra giáo huấn về đời môn đệ. Quy luật sống của người môn đệ được tổng hợp trong ba điểm: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và bước theo. “Từ bỏ chính mình” là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác; tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình.
 “Vác thập giá mình” là chấp nhận bản án thập giá; tức là từ bỏ những tiện nghi thoải mái và cả mạng sống mình vì muốn trung thành với Đức Giêsu và với sứ mạng của Người.
“Bước theo” không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước cách sống của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ. Đau khổ của Đức Giêsu và đời môn đệ với các đau khổ thuộc về nhau. Ta chỉ có thể thực sự hiểu Đức Giêsu bằng cách bước theo Người trong đau khổ. Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là ai, nhưng ông không sẵn sàng sống theo sự hiểu biết ấy.
Khi dạy cách sống từ bỏ, khi dạy phải vác thập giá, phải chăng Đức Giêsu muốn cổ võ một tôn đau khổ, một tôn giáo đây những bi kịch? Không phải thế. Chúng ta phải đề phòng một cách hiểu méo mó thần học về thập giá: đau khổ trở thành mục tiêu, một giá trị tự nó thay vì chỉ là một phương tiện, một con đường đưa tới giải thoát. Người ta hiểu Tin Mừng chỉ nói về hy sinh, từ bỏ, hãm mình, chứ không nói đến niềm vui sướng hân hoan, sự vui thỏa (coi đây là những điều xấu!). Thật ra, đau khổ không bao giờ được nâng lên hàng “sự thiện Kitô giáo” cả. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy chịu đau khổ, nhưng là dạy sống. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy tích lũy các thiếu thốn, từ bỏ, hy sinh, nhưng là loại trừ chính những nguyên nhân gây ra những điều đó. Mục tiêu của con người là hạnh phúc, ơn gọi của con người là thực hiện một thiên đàng trên trái đất trước khi đạt tới thiên đàng trên trời. Đau khổ, hy sinh, đau đớn là cái giá phải trả để có niềm vui mà người Kitô hữu được mời gọi chinh phục cho được. Điểm nhắm của ngươi Kitô hữu thì ở trên cao, nhưng để đến được đó, phải chấp nhận vượt qua một con đường đầy dốc đá, gian khổ. Phải hy sinh một cái gì đó để không đánh mất điều chính yếu. Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải đau khổ, nhưng Ngài có thể yêu cầu họ chấp nhận đau khổ, nếu đó là nguồn làm phát sinh niềm vui cho kẻ khác.
Tâm lý chung của con người là thích dễ dãi, tự nó không phải là điều xấu; vì nó thúc đẩy những phát minh khoa học để phục vụ đời sống con người. Nhưng không thể áp dụng tâm lý thích dễ dãi ấy vào chuyện Nước Trời. Người ta cũng muốn mình chiếm được Nước Trời một cách dễ dàng thoải mái như vậy. Càng ít phải cố gắng, ít phải hy sinh bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Rút ngắn giờ kinh lễ, giảm thiểu việc ăn chay hãm mình, giữ đạo một cách tối thiểu sao cho khỏi sa hỏa ngục là được.
Với lối suy nghĩ và cách sống như thế, con người không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn con đường thập giá, con đường đau khổ để cứu độ con người. Tại sao Người không chỉ phán một lời tha tội cho con người có phải dễ dàng hay không?
Cho dù con người suy nghĩ thế và muốn thế nhưng Thiên Chúa thì khác. Người vẫn chọn con đường thập giá, chọn những hy sinh, chọn những thống khổ, chọn cái chết để cứu độ con người. Và Người kêu gọi những ai muốn tìm hạnh phúc, tìm niềm vui, tìm sự sống, tìm Nước Trời cũng hãy biết và hãy dám chọn lựa như Người. “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Sống tỉnh thức

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào (Mt 25,13).

 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến, đang đến, và sẽ đến trong cuộc đời của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn canh thức sẵn sàng để được đón Chúa và hạnh phúc với Ngài.


hãy canh thức

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến (Mt 24,42).
Suy niệm: 
Các nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô học và Giáo hội học. Trên bình diện Kitô học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo hội học nhắc đến thời giờ của Giáo hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này, mỗi kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.
Hai dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.
Thật không dễ dàng, mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Đó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào".
Sống chờ đợi Chúa lại đến gần không phải bằng thái độ thụ động, nhưng là bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: "Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ".
Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống trần thế để làm vinh danh Chúa. Chúa cho chúng con trông coi gia sản của Chúa để chúng con ban phát cho nhau những ơn lành đã lãnh nhận từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết chu toàn bổn phận Chúa đã trao. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa đến trong cuộc đời chúng con. Chúa đến không chỉ mỗi ngày trong Thánh Thể, nhưng còn nhiều lần trong ngày, qua dung mạo của tha nhân đang cần chúng con yêu thương, cảm thông và giúp đỡ. Có thể họ là những người thân trong gia đình mà chúng con đang phải có trách nhiệm yêu thương. Có thể họ là những người nghèo khổ, đói rách hay bệnh tật đang cần chúng con cảm thông, giúp đỡ. Xin cho chúng con đừng trốn tránh hay làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân và mau mắn giúp đỡ với lòng bác ái vị tha.
Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa để chúng con ra đi gieo yêu thương vào lòng nhân thế hôm nay. Amen

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

hãy tỉnh thức

Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ,
vào giờ hắn không biết. (Mt 24,50).





- Chúng ta phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Phán Xét bằng cách làm cho đức tin luôn tăng trưởng, khử trừ mọi tính hư nết xấu, và luyện tập nhân đức để ngày càng thánh thiện hơn.
- Chúng ta phải cố gắng hết sức để hòan tất sứ vụ Chúa trao: phải ra sức lo lắng cho những người chúng ta có trách nhiệm có một đức tin vững chắc và một cuộc sống thánh thiện.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

THÁNH BATOLOMEO TÔNG ĐỒ


Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, 
tôi đã thấy anh rồi (Ga 1,48).


Các sách Tin Mừng nhất lãm và sách công vụ tông đồ ghi nhận thánh Bartôlômêô là một trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về Ngài, ngoài việc liên kết tên Ngài với Philipphê. Tin Mừng thứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Tin Mừng này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (Ga 1,43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau phục sinh (Ga 21,1-14). Từ thế kỷ 16, nhiều học giả đã đồng hóa Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Narthanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptoleemy (Tlômêô), sinh tại Cana (Ga 21,2).
Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17. Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vi: Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô: Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là Đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth.
Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận: Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.
Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người: Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.
Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sự thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).
Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armennia, Mesopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.
Người ta kể rằng: khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câm họng. Ngài khua trừ ma qủy, giải thoát cho nhiều người khỏi bị qủy ám, trong số này có cả công chúa. Ngài liền được triệu vời đến triều đình. Trước mặt vua Ngài truyền qủy thần phải nói sự thật bỉ ổi về số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng Ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.
Dĩ nhiên các tư tế thờ ma qủy tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimio bắt Ngài tống ngục. Ông nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, Ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời Ngài. Cuối cùng Ngài bị trảm quyết. Tương truyền rằng: xác Ngài được chuyển về Beneventô. Vào thế kỷ X, không rõ các di tích của Ngài có được vua Ottô III đưa về và còn được lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber không ?
Thánh Bartôlômêô đã hy sinh bản thân mình vì sự sống, vì hạnh phúc của tha nhân và đặc biệt là vì danh Đức Kitô. Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng biết sống và làm chứng cho Chúa bằng tình yêu thắm nồng và đầy kiên vững.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011