Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

KHIÊM NHƯỜNG VÀ TỰ KIÊU

SỰ LỢI HẠI CỦA KHIÊM NHƯỜNG VÀ TỰ KIÊU

1. Cách phán đoán của Đức Giêsu khác với cách của ta Là người Kitô hữu, không mấy ai không lấy làm lạ về cách phán đoán của Đức Giêsu khi đọc bài Tin Mừng (Lc 18,9-14) về dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người là Pharisêu, một người là thu thuế. Người Pharisêu tự hào khoe với Chúa về những điều tốt lành mình làm được, còn người thu thuế thì xấu hổ thú nhận tình trạng tội lỗi của mình. Qua lời cầu nguyện của hai người trong bài Tin Mừng, ta biết tất cả những điều tốt lành mà người Pharisêu khoe với Chúa rằng mình đã làm đều là sự thật , và tình trạng tội lỗi mà người thu thuế thú nhận trước mặt Chúa cũng đều là sự thật. Nếu để ta xét đoán, ta sẽ dễ cho rằng người Pharisêu kia mới là người công chính, còn người thu thuế đích thực là tội lỗi. Nhưng câu kết luận của Đức Giêsu làm chúng ta phải ngạc nhiên: « Tôi nói cho các ông biết: người này (tức người thu thuế) , khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (tức người Pharisêu) thì không » . Ta thấy phán đoán của Đức Giêsu về sự công chính khác hẳn cách phán đoán của chúng ta. Đương nhiên, chúng ta phải lấy cách phán đoán của Ngài làm mẫu mực cho cách phán đoán của ta, và phải chỉnh lại cách suy nghĩ của ta theo cách của Ngài.

2. Tự đề cao mình khiến mình bớt giá trị trước mặt Thiên Chúa Như vậy, điều khiến cho một người nên công chính không phải là những việc tốt lành mà họ làm được cho bằng động lực đã thúc đẩy họ làm những việc ấy. Nếu họ làm những điều tốt để được mọi người khen thưởng, khâm phục, chứ không phải vì yêu Chúa hay thương tha nhân mà làm, thì những điều tốt ấy chỉ có giá trị trước mặt người đời chứ không chắc có giá trị trước mặt Thiên Chúa . Đức Giêsu đã nói về những hành động ấy như sau: « Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen . Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi » (Mt 6,12). Làm điều tốt đẹp để được khen đó là làm vì một động lực vị kỷ, tự kiêu. Đương nhiên, chẳng mấy ai trên đời thoát được tính vị kỷ, muốn tự đề cao mình: người ta chỉ hơn nhau ở chỗ vị kỷ ít hay nhiều mà thôi. Muốn nên thánh, ta phải tập luyện hằng ngày để tính vị kỷ hay tính thích được đề cao của ta càng ngày càng giảm đi. Sự thánh thiện và tính vị kỷ hay « độ phình lớn của cái tôi » tỷ lệ nghịch với nhau . Lời của Gioan Tẩy giả có thể coi là một định luật: « Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi » (Ga 3,30). Cái tôi của ta càng nhỏ đi thì đời sống thần linh hay sự sống của Đức Kitô càng lớn lên trong ta , và giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng lớn. Ngược lại, cái tôi của ta càng phình lớn, thì sự sống của Đức Kitô ở trong ta hay giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng nhỏ đi. « Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên » (Mt 23,12; Lc 14,11; 18,14). Người nào hay tìm cách để được mọi người đề cao, khen thưởng thì cũng thường tự coi mình là hơn người và thích chê bai người khác: hạ người khác xuống để mình được nổi bật lên. Những người này dù có làm được biết bao điều tốt lành, thực tập biết bao nhân đức để được người khác nể phục, dù có lên được những bậc thang cao trong Giáo Hội hay xã hội thì vẫn là con số 0 trước mặt Thiên Chúa. Họ không được Thiên Chúa coi là người công chính.

3. Tự hạ, tự coi thường mình
lại làm mình tăng giá trị lên trước mặt Thiên Chúa
Qua bài Tin Mừng ta thấy tội lỗi hay những hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn hay kiêu ngạo . Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi, nên đã làm mất đi sự công chính của mình. Nhưng hành động khiêm nhường, biết nhìn nhận sự bất chính và tội lỗi của mình đã lập tức biến anh ta nên người công chính trước Thiên Chúa, bất chấp quá khứ tội lỗi của mình. Tương tự như vậy, tên trộm bị đóng đinh bên phải Chúa, tôi nghĩ chưa chắc anh ta đã phạm ít tội hơn tên trộm bên trái, nhưng chỉ vì anh ta nói được câu: « Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! » mà đã được Đức Giêsu hứa « Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng » (Lc 23,4143). Ôi kỳ diệu thay sự khiêm nhường tự hạ , biết nhìn nhận thực trạng hèn kém của mình! Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính! Ngược lại, cũng thật quái lạ, tính kiêu ngạo, tự mãn, tự đề cao, có thể biến những điều tốt thành xấu, công chính thành bất chính!

4. Bài học về khiêm nhường tự hạ Nếu thế thì tại sao ta lại không rút ra một bài học cho mình? cho lý tưởng nên thánh của mình? Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, của nhân đức . Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi đi chung với sự khiêm nhường, tự hạ . Cũng như những số 0 (không, zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1, thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị: càng nhiều số 0 đi sau số 1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần. Đức Gioan-Phaolô I (1912-1978) nói: « Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và đĩ điếm nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa ngục có cả hồng y giám mục nhưng không có người khiêm nhường ». Nếu đúng như vậy thì bí quyết để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là khiêm nhường, tự hạ, và ai khiêm nhường tự hạ thì dường như không thể xuống hỏa ngục được! Còn muốn xuống hỏa ngục thì chỉ cần kiêu ngạo là đủ, và kẻ kiêu ngạo thì dường như không thể vào thiên đàng được! Trong cuộc đời, ta thấy có nhiều người sống trong sạch như các thiên thần, hoặc làm được rất nhiều việc lành như những vị thánh, nhưng họ lại kiêu ngạo, tự hào không kém gì ma quỉ về sự tốt lành của họ. Chính vì thế, họ không phải là đối tượng của Nước Trời. Thật là uổng, tất cả những nhân đức họ tập được, những việc lành họ làm được, chỉ vì kiêu ngạo mà biến thành « công dã tràng »! Như vậy, ai tự đưa mình lên thì coi chừng kẻo bị hạ xuống tới tận hỏa ngục! Còn ai tự hạ mình xuống thì rất có thể sẽ được đưa lên tới tận thiên đàng! Đức Giêsu đã chẳng nói: « Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu » sao? (Mc 10,31; xem Mt 20,16; Lc 13,30). Vậy thì dại gì mà kiêu căng, khoe khoang, tự mãn! dại gì mà lên mặt chê bai kẻ khác! Chính khi ta chê bai kẻ khác với mục đích để mình nổi bật lên, thì hành động của ta lại trở thành đáng chê hơn kẻ bị ta chê!
Về sự khiêm nhường và kiêu ngạo, Karl Marx nói: « Khiêm nhường bao nhiêu đều không đủ, Chỉ chút kiêu ngạo cũng quá nhiều! » Vì thế, hãy khiêm nhường được chừng nào hay chừng nấy, và đừng kiêu căng hay tự mãn chút nào cả!

Bài học từ tờ 100 đồng

Bài học từ tờ 100 đồng



Trong giáo đường, một hôn lễ đang được tổ chức.

Cha cố xuất hiện với tờ 100 đồng còn mới trên tay và nói: “ có ai muốn được tờ tiền này không?” không có tiếng trả lời…

Cha cố nói: “Đừng xấu hổ, ai thích thì hãy giơ tay lên.” 1/3 số người có mặt ở đó giơ tay. Cha cố vo tròn tờ tiền lại rồi hỏi: “Bây giờ có còn ai thích sở hữu nó nữa không?”

Vẫn còn người giơ tay, nhưng đã ít đi một nửa.

Cha cố vứt tờ tiền xuống đất, giẫm chân lên rồi nhặt lại. Tờ tiền vừa bẩn vừa nhàu nhĩ. Ông lại cất tiếng hỏi: “còn ai thích nữa không?”

Chỉ còn một người giơ tay…Cha cố mời anh lên phía trên, trao cho anh tờ tiền và nói anh la người duy nhất giơ tay cả ba lần.

Tất cả mọi người trong giáo đường đều cười to nhưng cha cố ra hiệu yên lặng. Ông nói với chú rể: “Hôm nay con cưới một cô giá con yêu nhất đời. Nhưng giống như tờ tiền này, năm tháng trôi qua cộng thêm vất vả, cô ấy sẽ không còn xinh đẹp như bây giờ. Trên thực tế, tiền vẫn là tiền, giá trị của nó chẳng hề thay đổi. Hy vọng con giống như chàng trai này, luôn hiểu giá trị và ý nghĩa đích thực, đừng vì vẻ bề ngoài mà đánh mất mọi thứ.”

Hình thức bên ngoài của mỗi người sẽ biến đổi theo thời gian, con người có thể già hơn và xấu đi, nhưng tâm hồn đẹp thì sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi. Vì vậy, bạn hãy tin vào chính mình, đừng bao giờ mặc cảm rằng mình không đẹp hay không bằng người khác về mọi thứ mà mù quáng theo đuổi, đi tìm những thứ qua xa vời với thực tế, mà từ đó đánh mất điều vốn có của chính bản thân. Vì mỗi một con người sinh ra đều có những đặc điểm và khả năng riêng, không có ai là không hữu dụng, điều quan trọng là bạn có thấy và biết phát huy khả năng đó hay không?

BÀI HỌC TỪ CON LA


Có một người nông dân nuôi một con la để chuyên chở hàng hoá ra chợ bán. Hôm ấy, sau một buổi sáng làm việc mệt nhọc, người nông dân để con la đứng bên một miệng giếng cạn. Thật không may, con la sảy chân rơi xuống giếng. Nó kêu rống lên cầu cứu.
Người nông dân đến xem xét. Ông ta thấy rằng để đưa con la lên khỏi giếng phải mất rất nhiều công sức, trong khi đó, nó đã là một con la già nua mà ông đã muốn loại bỏ từ lâu. Sau một lúc cân nhắc, người nông dân quyết định sẽ mua một con la mới chứ không bỏ công sức cứu con vật khốn khổ. Ông ta gọi một người hàng xóm đến và họ cùng xúc đất lấp giếng.
Con la vô cùng phẫn nộ. Ban đầu nó không hiểu tại sao người ta có thể đối xử với mình như vậy. Nhưng rồi, nó thấy rằng có căm phẫn cũng chẳng ích gì. Và nó bỗng để ý thấy mỗi xẻng đất hất xuống mình nó, nó có thể rũ bỏ (shake-off) và bước lên trên (step up).
Thế là con la bắt đầu làm cái công việc giải cứu chính mình. Mỗi xẻng đất đổ xuống trên mình, nó lại rũ bỏ và bước lên trên. Dần dần, đất đầy lên và con la bước ra khỏi miệng giếng.
Những đất đá tưởng sẽ vùi lấp con la lại trở thành phương tiện để cứu thoát nó.
Đôi khi, trong cuộc sống của bạn, có những lúc bạn tưởng như tuyệt vọng vì bao nhiêu khó khăn đổ ập xuống mình. Vậy hãy làm như con la thông minh kia: Rũ bỏ và đứng lên (shake-off and step up).
Và bạn sẽ thấy, những khó khăn tưởng như vùi lấp ta hoá ra lại là những phương tiện để nâng cao con người ta lên.