Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

ĐỪNG SỢ

Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ (Mt 14,27)


Lạy Chúa, sống đức tin trong thời đại hôm nay cũng khó khăn tựa như đi trên mặt biển. Có biết bao cám dỗ khiến chúng con xa lìa Chúa. Có biết bao những sóng gió khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ niềm tin còn yếu kém của chúng con để dầu đứng giữa những nghi nan của dòng đời, những sóng gió cuộc đời, chúng con vẫn luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh Phêrô mà thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu con”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn ở bên chúng con. Chúng con tin tưởng Chúa luôn bảo vệ chúng con. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng con. Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa dù gặp những gian nan. Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và nguy hiểm của dòng đời. Chúa là sức mạnh và là thành luỹ bảo vệ đời chúng con. Xin cho chúng con biết tin tưởng và an vui nép mình bên Chúa. Amen

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Vị mục tử tốt lành

Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn (Mt 14,16).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng con noi gương Chúa biết “chạnh lòng xót thương” những kẻ đói nghèo đầy dẫy chung quanh chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự đói khát đang giày vò bao người, để vâng theo lời Chúa dạy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.
Nhưng Lạy Chúa, bản thân con và gia đình con cũng đang gặp khó khăn, phải “ăn bữa nay lo bữa mai”, thì làm sao chúng con có thể chia sẻ của cải cho người khác được? Khả năng chúng con quá giới hạn không thấm vào đâu so với nhu cầu của tha nhân. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương các môn đệ Chúa xưa: dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa sẽ trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Tương quan giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu

Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ (Mt 14,2).


Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho mỗi chúng con những khả năng khác nhau để ca tụng Chúa và để chúng con làm giàu lẫn nhau. Nhưng rất nhiều lần chúng con đã sử dụng không đúng ý Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con dùng tài năng của mình để làm tổn thương người khác. Chúng con gây đau khổ cho tha nhân. Chúng con đã hại người, hại đời vì đời sống thiếu đạo đức, thiếu bác ái của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi. Xin canh tân cuộc đời chúng con cho xứng với tình yêu tha thứ của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng khả năng, thời giờ Chúa ban để gieo yêu thương, hạnh phúc cho anh em mình. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng khả năng Chúa ban để thi thố tình thương cho anh chị em chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống có ích cho tha nhân và đừng bao giờ làm khổ anh em. Xin cho chúng con biết sử dụng hồng ân Chúa ban để ca tụng vinh danh Chúa luôn. Amen

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

CON VẪN TIN

Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, 
Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian (Ga 11,27).


Hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Martha, mẫu gương của sự phục vụ. Xin Chúa cho con cũng biết làm chứng cho tình yêu Chúa bằng việc xả thân phục vụ anh em. Vì hy sinh phục vụ là một trong những nét đẹp của người môn đệ Chúa. Và chính Chúa cũng đã nêu gương cho chúng con trước. Chúa đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã làm cho Lazarô sống lại. Xin Chúa ngày hôm nay cũng hãy phục hồi sự sống trong con. Sức sống của một người con Chúa mà nhiều lần con đã đánh mất vì thiếu niềm tin, thiếu tình yêu. Xác con còn sống nhưng hồn con thiếu bóng Chúa thì kể như con đã chết. Ước gì tình yêu Chúa luôn phủ lấp những khiếm khuyết trong con hầu giúp con hồi sinh và đổi mới.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

THÁI ĐỘ BAO DUNG

Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy (Mt 13,49).


Lạy Chúa, cuộc đời thường khiếm khuyết, nhưng chúng con lại mong muốn tròn đầy. Chúng con thường dễ dãi với mình nhưng lại khắt khe với tha nhân. Xin giúp chúng con biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa đã từng chậm bất bình và rất mực khoan dung với chúng con. Xin ban cho chúng con một tấm lòng nhân ái để chúng con dám làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thế giới đầy hận thù hôm nay. Amen 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Kho tàng quý giá

Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy (Mt 13,46).


Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống; để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Thánh Gioakim và thánh Anna

Cứ xem quả thì biết cây



Hôm nay Giáo Hội kinh nhớ thánh Gioakim và thánh Anna, song thân của Đức Maria. Thánh Gioakim và thánh Anna là đôi bạn diễm phúc, các ngài sống một cuộc đời rất thanh sạch và đạo đức. Thiên hịa muôn đời được hiểu biết về các ngài là nhờ chính hoa quả lòng đạo đức của các ngài. Như Chúa đã nói cứ xem quả thì biết cây. Cứ xem hoa quả là Đức Trinh Nữ Maria thì biết được đời sống của các ngài thánh thiện là dường nào. Chính nhờ sự thánh thiện của các ngài kết hợp ơn ban của Thiên Chúa mà cả nhân loại được đón nhận Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian. Giáo Hội liên lỷ chạy đến cầu khẩn với thánh Gioakim và thánh Anna. Chúng ta xin Chúa ban cho các bậc cha mẹ, ông bà được hưởng phúc lộc của hai thánh hầu gia đình được an vui đầm ấm.


Thánh Gioakim và Thánh Anna là song thân của Đức trinh nữ Maria, các Ngài đã dùng đời sống mình để tôn thờ Thiên Chúa và làm việc bác ái. Tuy vậy các ngài cũng rất đau buồn vì suốt nhiều năm dài, các ngài vẫn không được phúc sinh con. Thánh Anna đã nhiều năm cầu xin Thiên Chúa ban cho có một người con, và Thánh nữ đoan hứa sẽ tận hiến người con ấy cho Thiên Chúa.

Đến khi Thánh Anna đã lớn tuổi, Thiên Chúa mới nhận lời cầu xin của ngài và Thiên Chúa đã ban cho ngài một người con vượt xa hơn rất nhiều so với điều thánh nữ mong ước. Người con ấy chính là Đức Trinh nữ Maria, người con thánh thiện hơn hết tất cả các người nữ này, sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Thánh Anna đã yêu thương chăm sóc Đức Maria độ vài năm, sau đó ngài dâng Đức Maria vào Đền thánh Giêrusalem để phục vụ Thiên Chúa, như trước đây ngài đã đoan hứa với Thiên Chúa.


Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gio-a-kim và Anna…Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gio-a-kim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gio-a-kim và thánh Anna. Thánh Gio-a-kim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…

Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.


Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng kính hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.

“Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chước hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen."


nguồn:cuocdoidanghien.com

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Thánh Giacôbê

Thánh Giacôbê Tông Ðồ

Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. "Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). "Ðức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).
Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.
Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).
Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTÐ 12:1-3a).
Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.

Lời Bàn

Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.

Lời Trích

"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Ðức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Kho tàng đích thực


Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp (Mt 13,45).

VIÊN NGỌC NƯỚC TRỜI
Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để dạy các tông đồ. Ba dụ ngôn đó là : dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn nắm men. Trong đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật 16 hôm nay chúng ta tiếp tục được nghe đọc thêm ba dụ ngôn nữa.
Chúa Giêsu ví Nước Trời như là chuyện kho báu chôn trong ruộng, Nước Trời như là chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý, và Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển.
Tuy là ba dụ ngôn với ba hình ảnh khác nhau nhưng tập trung vào một ý tưởng. Ý tưởng đó là Nước Trời thật quý giá. Bởi vì, Nước Trời thật quý giá cho nên khi đã được Chúa tỏ bày cho biết mầu nhiệm Nước Trời thì ta phải cố đạt cho kỳ được mới thôi.
Phản ứng của người nông dân thật khôn ngoan, biết có kho báu trong thửa ruộng mình làm thuê thì lập tức mua cho bằng được. Chấp nhận bán tất cả gia tài để chỉ mua cho được thửa ruộng có kho báu. Đối với người ngoài cuộc thì xem ra người nông dân này có vẻ ngớ ngẩn nhưng đối với người nông dân này thì đây là một cơ hội ngàn năm một thưở, không chớp lấy cơ hội sẽ mất ngay.
Người lái buôn tình cờ gặp được viên ngọc quý, biết nó có giá trị lớn lao mà nhiều của quý khác không thể đánh đổi được; ông phải tìm cách mua cho bằng được. nếu không mua nhanh là sẽ mất, hoặc là người bán sẽ phát hiện ra ngọc quý mà giữ lại không bán, hoặc là thương khác bắt gặp họ sẽ mua mất.
Khi đưa ra các dụ ngôn để nói về Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy cho các tông đồ rằng: một khi đã hiểu biết Nước Trời rồi thì phải gắng công, gắng sức để truy tìm, để chiếm cho bằng được. Nước Trời phải mục đích tối hậu của đời người. Đã là mục đích tối hậu thì tất cả những chuyện khác phải được đặt vào hàng thứ yếu.
Bài học Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ xưa cũng chính là bài học cho mỗi người chúng ta hôm nay. Tất cả những gì chúng ta đang có như ruộng nương, nhà cửa, tiền bạc, vợ chồng, con cái… dù là thân thiết với chúng ta, dù là gắn bó với chúng ta; đôi khi chúng ta tưởng như không có nó không thể sống được, không thể tồn tại được, nhưng rồi chúng sẽ qua đi. Và như thế chúng phải là thứ yếu, chúng phải được đặt ở dưới hạnh phúc Nước Trời.
Thế nhưng thử hỏi, trong thực tế chúng ta đã dành cho việc tìm kiếm Nước Trời được bao nhiêu? Nước Trời có phải là mục đích tối hậu đối với chúng ta khi mà chúng ta chỉ dành ra những thời giờ thừa thãi để đọc kinh cầu nguyện? Nước Trời có phải là mục đích tối hậu đối với chúng ta khi mà chúng ta chỉ dành ra những lúc rảnh rỗi để tới nhà thờ, để đi lễ Chúa Nhật? Nước Trời có phải là mục đích tối hậu đối với chúng ta khi mà chúng ta chỉ tới nhà thờ để tìm chỗ sả hơi sau những giờ làm việc vội vàng, sau những cuộc ăn nhậu xả láng? Mỗi tuần 168 giờ đồng hồ chúng ta lo làm việc, lo ăn chơi nghỉ ngơi chỉ có chưa đầy một giờ dự lễ Chúa Nhật để giữ luật mà rất nhiều người còn bớt đầu bớt đuôi; căn me cho tới khi chủ tế ra bàn thờ rồi mới dô và chủ tế chưa chúc lành thì đã tìm cách "dooc lẹ".
Lời Chúa hôm nay xác định lại cho chúng ta giá trị Nước Trời. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta ý thức sâu sắc hơn trong việc tìm kiếm Nước Trời. Nước Trời là mục đích tối hậu thì chúng ta phải cố gắng tìm kiếm cho bằng được. Nước Trời là mục đích tối hậu thì chúng ta phải dấn thân triệt để, chứ không thể thực hiện mục đích ấy như một việc ngoài giờ, như một việc phụ thuộc hay như một việc có tính cách tiêu khiển. Nước Trời là mục đích tối hậu thì chúng ta phải dám hy sinh tất cả chiếm cho bằng được.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

LÚA VÀ CỎ LÙNG

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt (Mt 13,30).


Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con có can đảm sống hết mình cho những gì là chân thực, vì chỉ có sự thật mới giải phóng con người khỏi lầm lạc mà thôi. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

ĐƯỢC CẢM HÓA NHỜ TÌNH YÊU

Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: 
"Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà (Ga 20,18).


Thánh nữ Maria Mađalêna
Thánh nữ Maria Mađalêna quê ở Magđala, gần biển hồ Galilêa, một người bị quỷ ám và đã được Chúa Giêsu chữa lành. Thánh nhân đi theo Đức Giêsu làm môn đệ để giúp đỡ Chúa Giêsu và các tông đồ.
Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã tạo nên một cuộc hoán cải sâu rộng và lâu bền nơi thánh nữ Maria Mađalêna. Kể từ đó, thánh nhân luôn sát cánh bên cạnh những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Bà chia sẻ với họ những cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó. Bà đã theo Chúa Giêsu trong chuyến đi quyết liệt của Người lên Giêrusalem để dự lễ vượt qua. Các phụ nữ đã không được tham dự vào bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu, nhưng Maria Mađalêna đã có mặt tại phiên xử Người trong dinh Tổng trấn Philato, và kế đó bà đi theo Người trong suốt con đường thập giá, trong đám đông hiếu kỳ và giữa những kẻ thù của Người. Maria Mađalêna là một phụ nữ rất can đảm. Trong khi các tông đồ chạy trốn khi thấy Thầy mình bị đóng đinh, thì Maria Mađalêna đã đứng dưới chân thập giá, để chứng kiến cái chết của Thầy mình. Thánh nhân ở đó cùng với Đức Maria và thánh Gioan, ngài không sợ nguy hiểm, không sợ những đe dọa của kẻ thù.
Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi thân xác Đức Chúa Giêsu được mai táng, Maria Mađalêna đã đến mồ Chúa ngay từ sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần. Thánh nữ rất đỗi bàng hoàng khi nhìn thấy tảng đá to được lăn ra và ngôi mộ trống rỗng. Bà đã vội chạy đi báo tin cho Phêrô và Gioan: “Họ đã lấy mất xác Thầy và tôi không biết họ đã đặt Người ở đâu!” Phêrô và Gioan liền vội vã chạy tới mồ và nhận thấy mọi sự thật đúng như lời bà đã nói. Rồi Maria Mađalêna ở lại bên mộ sau khi Phêrô và Gioan về nhà. Và bà đã khóc! Bà khóc vì sợ mất xác Thầy mình. Bà đã tìm cách để hỏi xem người ta đã mang xác Chúa đi đâu. Điều đó chứng tỏ rằng, Maria Mađalêna có lòng yêu mến Chúa thật nồng nàn. Lòng yêu mến Chúa nồng nàn của bà đã được tưởng thưởng. Chúa Giêsu đã hiện ra với bà. Bà thật diễm phúc vì là người được thấy Chúa trước tiên khi Người sống lại. Bà cũng là người đầu tiên đem Tin mừng phục sinh đến cho các tông đồ.
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Maria Mađalêna là dịp cho chúng ta chiêm ngưỡng một tấm gương sống đạo thật tuyệt vời. Từ một người bị quỷ ám, bà đã hoàn toàn lột xác nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô. Từ một người phụ nữ yếu đuối, bà đã trở thành môn đệ thật can đảm của Đức Kitô. Từ một con người tội lỗi nhưng vì yêu Chúa đã khiến bà trở thành người đầu tiên được diễm phúc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nữ yêu mến Chúa nông nàn và không ngừng hoán cải để trở nên hoàn thiện, xứng danh là Kitô hữu trong thời đại hôm nay.



Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, 
tai anh em thật có phúc, vì được nghe (Mt 13,16).


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chúc phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa. Chúa còn nhận những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa vào gia đình của Chúa. Ước gì chúng con được vào số những người được Chúa chúc phúc. Ước gì chúng con luôn là thành viên của gia đình Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc và ủi an. Xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình đơn sơ ngoan hiền để dễ dàng đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Amen

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

THÁI ĐỘ LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả (Mt 13,8).

 Lạy Chúa, Chúa luôn kiên nhẫn trong việc gieo vãi ơn thánh và Lời Chúa, Chúa luôn gieo điều tốt, điều có lợi cho chúng con. Chúa mong muốn chúng con được tắm gội trong hồng ân của Chúa. Xin giúp chúng con luôn kiên nhẫn trong việc trau dồi Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày của chúng con.Amen

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Dấu lạ và dấu chỉ

Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, 
ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna (Mt 12,39).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin đủ để nhận ra tình thương cao vời của Chúa. Xin cho chúng con lòng trông vậy vững vàng để dầu đứng trước gian nguy chúng con luôn phó thác nơi Chúa. Xin ban cho chúng con lòng mến sắt son để chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen 

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

THIÊN CHÚA KHOAN DUNG

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt (Mt 13,30).

Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để dạy các tông đồ. Đây là ba hình ảnh rất thực tế trong đời sống hằng ngày để giúp cho các tông đồ hiểu được những thực tại Nước Trời: dụ ngôn cỏ lùng là hình ảnh của sự dữ có trong Giáo Hội; dụ ngôn hạt cải là hình ảnh sự lớn mạnh của Nước Trời; và dụ ngôn nắm men là sự cảm hóa xã hội nhờ ảnh hưởng của những Kitô hữu tốt. Tuy nhiên, khuôn khổ của ngày lễ hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một dụ ngôn cỏ lùng và rút ra bài học áp dụng cho đời sống đạo của mỗi người chúng ta.
Lúa mì là một loại lương thực được trồng nhiều ở miền Palestina, lúc còn nhỏ rất khó phân biệt với cây cỏ. "Cỏ lùng" được dùng để diễn tả một loại cỏ dại. Loại cỏ dại này rất là giống cây lúa khi mới mọc lên, nên rất khó phân biệt với lúa. Chỉ khi trổ bông thì mới khác với lúa, lúc đó thì rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ một mình cỏ được. Vì thế, ông chủ đã không cho các đầy tớ đi nhổ cỏ vì sợ rằng: Khi nhổ cỏ, các đầy tớ sẽ nhổ cả lúa lên. Tại những vùng đồng bằng Việt Nam chúng ta, Ai đã từng gieo mạ thì cũng dễ hiểu dụ ngôn này. Khi cây mạ còn nhỏ, nếu ta nhìn thoáng qua thì chẳng thấy cây cỏ nào nhưng khi ngồi nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy có nhiều cây cỏ mọc lẫn với lúa. Thỉnh thoảng cũng có nhà nông trước khi gặt lúa phải đi cắt riêng cỏ lùng để ra một chỗ.
Như trên đã nói, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy các tông đồ hiểu được thực tại nước trời, và Ngài đã giải thích cho các tông đồ hiểu rõ: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống tốt là con cái Nước Trời, thửa ruộng là thế gian. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Nói tới ma quỷ là chúng ta có thể nghĩ ngay tới sự ác đã gieo vào thế gian, ngay từ tạo thiên lập địa. Thiên Chúa không làm ra sự ác. Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ, nhưng ma quỷ đã gieo sự ác vào thế gian. Ma quỷ đã làm cho con người phải đau khổ. Và do đó, thế giới loài người có khổ đau xen lẫn hạnh phúc. Có nước mắt xen lẫn nụ cười. Có người lành sống chung với kẻ dữ.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt giữa cỏ lùng và con người. Bản chất của cỏ dại thì mãi mãi vẫn là cỏ dại, cho nên đến thiên thu vạn đại nó vẫn không thể nào biến thành lúa tốt được. Còn cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, không thể biến thành cỏ dại, chỉ có điều là nó sinh nhiều bông hạt hay là ít bông hạt thôi, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được. Chúa Giêsu dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng để ám chỉ hai thực tại hiện hữu trong một con người. Đối với con người thì tốt hay xấu có thể hiện hữu trong cùng một con người. Do đó, con người có thể sửa đổi. Con người có thể sửa đổi từ một người xấu trở thành người tốt hoặc ngược lại. Con người có thể sửa đổi qua việc nghe lời Chúa. con người có thể sửa đổi nhờ thấm nhuần giáo huấn của Giáo Hội. Con người có thể sửa đổi qua việc tự vấn lương tâm của chính mình.
Đôi khi chúng ta cũng có tâm trạng như những đầy tớ trong dụ ngôn có lùng hôm nay. Khi thấy những kẻ làm điều ác chúng ta chỉ mong Thiên Chúa trừng trị ngay, chúng ta muốn cầu xin Chúa thẳng tay tiêu diệt không để nó tồn tại. Nhưng trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng bao dung và rất mực khoan dung. Là Đấng bao dung nên ngài chấp nhận để kẻ có tội cùng tồn tại với người lành trong một thế giới. Là Đấng rất mực khoan dung nên Ngài chờ đợi kẻ có tội biết hối cải, Ngài dành thời gian cho tội nhân biết ăn năn quay đầu trở lại. Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện Người ghét tội nhưng lại rất thương con người có tội. Chính vì thế Người mới kiên nhẫn với mỗi người chúng ta nơi cuộc sống đầy những tranh dành, đầy những oán ghét. Người chờ đợi cho đến ngày Tận thế. Người để cho con người có cơ hội hoán cải, để trở về với Thiên Chúa để hưởng ơn cứu độ của Ngài.
Thiết nghĩ, nếu Thiên Chúa thẳng tay trừng trị thì có khi chính chúng ta là những kẻ bị tiêu diệt trước. Bởi vì, chúng ta mệnh danh là con cái Chúa nhưng chúng ta cũng đầy dẫy những lỗi lầm với Chúa. Chúng ta vẫn lớn tiếng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của mọi người nhưng hỏi rằng chúng ta đã quan tâm giúp đỡ anh chị em chúng ta được bao nhiêu. Và như thế, Thiên Chúa khoan dung độ lượng. Thiên Chúa nhân hậu từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng là vì muốn cứu độ tất cả mọi người chúng ta.
Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có thời giờ để hoán cải. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban những lời giáo huấn để giúp chúng ta hoán cải. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban các Bí Tich là những phương thế giúp ta nên thánh thiện để sống xứng đáng là con cái Nước Trời.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Người tôi trung hiền lành

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, 
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi (Mt 12,20).


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con mọi sự: sự sống, sức khỏe, gia đình cùng biết bao ân huệ khác. Chúa chỉ đòi chúng con biết sống đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng đời sống cao rao tình thương của Chúa. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá thiếu sót với Chúa. Có mấy khi chúng con biết dành thời giờ trọn vẹn để tôn thờ Chúa. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Chúng con thiếu tôn kính trong việc phụng vụ. Chúng con còn so đo tính toán thời giờ với Chúa. Xin tha thứ cho những thiếu sót của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng cuộc đời để tôn thờ Chúa, để làm vinh danh Chúa.
Lạy Chúa là Đấng trung thành trong tình yêu. Cho dù chúng con có bất trung Chúa vẫn yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa để yêu thương và phục vụ anh em trong kiên nhẫn và trung thành như Chúa. Xin Chúa cho chúng con thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng con. Xin cho chúng con hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.Amen

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

NGÀY HƯU LỄ

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Mt 12,7).


Lạy Chúa, ở đời nếu không có tình yêu, người ta sẽ dễ dàng kết án tẩy chay lẫn nhau. Đôi khi còn kết án bừa bãi, thiếu cân nhắc. Xin tha thứ vì những lần chúng con đối xử bất khoan dung với nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ nói hành, bỏ vạ cáo gian anh em mình một cách bừa bãi. Nhưng xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn yêu thương, nhân từ như Chúa để chúng con biết đối xử với nhau ngày một tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần để hoán cải tâm hồn vốn dĩ ích kỷ và đầy hẹp hòi của chúng con. Xin giúp chúng con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Sứ mạng thực hiện thiên ý

Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả (Mt 13,8).

Lạy Chúa, qua dụ ngôn người gieo giống cho chúng con ý thức được tầm quan trọng của việc lắng nghe và thực hành Lời của Ngài. Xin cho chúng con chuyên tâm suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày và biết sinh hoa kết trái qua việc thực hành Lời Chúa.
Lạy Chúa, sống giữa xã hội ngày nay mọi thứ dường như đang cuốn theo tốc lực và sôi động. Ít nhiều chúng con cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu của thời đại. Xin Chúa cảnh tỉnh chúng con để chúng con biết bình tâm trầm lắng trong Lời của Ngài. Nhờ sức mạnh của Lời giúp chúng con có đủ nghị lực chiến đấu với những khó khăn của cuộc sống. Vì Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho con bước và là ánh sáng chỉ đường cho con đi. Amen

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

TRƯỜNG ĐỜI


“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”

Lời ru ầu ơ bên nôi của người mẹ vùng Nam Bộ thật thân thương trìu mến, đồng thời diễn tả một định nghĩa về cuộc đời: cuộc đời là một trường học. Quả thế, cuộc đời là nơi dạy chúng ta thêm kinh nghiệm trưởng thành. Nơi trường đời, mỗi người cần phải cố gắng vươn lên, không được phép nản chí sờn lòng trước thất bại, dù đó là thất bại chua cay phũ phàng.
1-Trường học
Một khi đã bước vào cõi nhân sinh, chẳng có ai ngay từ ban đầu đã là người hoàn hảo. Cuộc sống đời này là một cuộc phấn đấu không ngừng để vượt lên mọi khó khăn. Cắp sách đến trường là một việc khó nhọc ngại ngùng đối với mọi lứa tuổi. Những ngày đầu tới trường quả là một cực hình đối với những cô bé cậu bé phải xa cha mẹ để bước vào môi trường xa lạ. Với thời gian, các em được học hành những kiến thức cần thiết để thành người. Tuổi học trò là một giai đoạn đẹp của cuộc sống. Đây là thời điểm nhân cách của các em được từng bước hình thành. Trong xã hội hiện đại hôm nay, vẫn tồn tại những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu, ỷ thế cậy quyền cha mẹ, chẳng chịu học hành. Vì thế mới xuất hiện những tấm bằng mua. Đây không phải là bằng giả mà là bằng thật hẳn hoi. Chỉ có kiến thức là giả mà thôi. Đối với những người có kiến thức giả thì tương lai và sự nghiệp của họ cũng chỉ là hão huyền, vô thực. Bên cạnh một số ít con nhà giàu cậy quyền cha mẹ, có rất nhiều học sinh, sinh viên đã can đảm vượt khó, phấn đấu học hành. Có những người cha người mẹ đáng khâm phục, suốt đời một nắng hai sương, long đong tần tảo, nhưng vẫn đầu tư cho con học đại học, đem lại sự thành đạt và một tương lai vững vàng cho con cái.
Thế rồi giai đoạn học đường cũng đến hồi kết thúc. Các em học sinh chia tay vào mùa hoa phượng, trong sự lưu luyến của tình bạn và âu lo về sự nghiệp tương lai. Nhiều bạn trẻ luyến tiếc tuổi học trò, nhưng không thể níu kéo thời gian. Họ chỉ còn giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp của một thời vô tư đã qua. Kết thúc trường học, các em phải lo bước vào trường đời.
Môi trường giáo dục lành mạnh, những thày cô giáo tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”, sự cộng tác của các bậc phục huynh, đó là những yếu tố căn bản làm nên nhân cách con người của xã hội tương lai. Đã có nhiều tác giả lên tiếng về một nền giáo dục bất cập. Đã có nhiều vụ việc liên quan đến tư cách của nhà giáo, điển hình như vụ hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Việt Lâm (tỉnh Hà Giang) Sầm Đức Xương đã có hành động đồi bại với nữ sinh. Chúng ta ước mong và cùng cộng tác để những thế hệ tương lai được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, đặt nền trên huấn luyện lương tâm đạo đức con người, “Tiên học lễ, hậu học văn”.
2 - Trường đời
Nếu ai lười biếng khi còn ở trường học, thì sẽ phải trả giá khi bước vào trường đời, vì trường đời rất khắt khe và nghiệt ngã. Ngôn ngữ bình dân gọi những thất bại trong cuộc sống là “học phí”. Một người thiếu kinh nghiệm kinh doanh mà liều lĩnh bước vào thương trường, sẽ phải trả “học phí” là thua lỗ nhiều khi đến khuynh gia bại sản. Một người thiếu năng lực mà dám đứng ở cương vị lãnh đạo, sẽ phải trả “học phí” là sự thất bại và mất hết uy tín. Như thế, một khi muốn thành đạt ở đời, chẳng có ai thoát khỏi việc học vấn, điều khác biệt chỉ là nơi chốn hay tên gọi của trường học mà thôi. Sự khắt khe đúng mức của cha mẹ đối với con cái là nhân tố quan trọng để đứa trẻ nên người. Sự nghiệt ngã của trường đời cũng là điều kiện thiết yếu để con người được tôi luyện. Như những học sinh khi ngồi ghế nhà trường luôn cần mẫn chuyên chăm học hỏi để trau dồi những kiến thức trước khi vào đời, mỗi người sống trong trường đời cũng phải thiện chí tiếp thu kinh nghiệm từ những người khôn ngoan, để có thể thêm nghị lực sống. “Thắng lợi không kiêu, thất bại không nản”, đó là bí quyết giúp ta thành công. “Học, hỏi, hiểu, hành”, đó là nấc thang giúp ta thăng tiến. “Nước chảy mãi mà không thôi thì lâu ngày thành sông lớn, người học mãi mà không thôi thì thành bậc hiền tài” (Sách Tính Lý). Sự kiên trì trong học hành là chìa khoá của thành đạt. Bằng lòng với mình trong say men chiến thắng làm con người mất chí khí vươn cao. Đừng quên rằng, nếu tôi chiến thắng hôm nay, tôi cũng có thể sẽ thất bại ngày mai. Như người lính ở chiến trường phải luôn thận trọng cảnh giác, con người sống giữa trần gian luôn phải tỉnh thức canh chừng. Thiếu cảnh giác sẽ dễ dàng thất bại, thiếu tỉnh thức sẽ chìm trong u mê. Người ta giỏi mấy cũng vẫn phải học, làm thầy trong lãnh vực này, nhưng lại phải làm trò trong lãnh vực kia. Không ai là toàn năng, trừ một mình Thiên Chúa. Chính vì thế, khi được “ném” vào lòng đời, con người bắt đầu cuộc-đời-học-vấn. Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay thì họ mới thực sự “tốt nghiệp” trường đời. Tấm bằng cấp “tốt nghiệp trường đời” không phải do con người mà là chính Thiên Chúa phong tặng.
Trong trường đời mênh mông rộng lớn, ta có thể tìm thấy ở mọi nơi mọi lúc những người thày dạy chúng ta. Alfred de Vigny đã viết: “Tôi chưa bao giờ gặp một người nào mà tôi không tìm thấy ở họ một cái gì đáng cho tôi học hỏi”. Những kinh nghiệm của người già, những câu hỏi đơn sơ của người trẻ, những biến cố sự kiện xảy đến xung quanh chúng ta, xem ra như vô tình, mà lại dạy chúng ta những bài học rất thiết thực để giúp ta “thành người”.
Trường đời cũng dạy cho chúng ta sự mạnh dạn can đảm, vì lửa thử vàng, gian nan thử đức. Nếu không thử, làm sao biết sức mình. Một tác giả đã viết: “Có người suốt đời sợ hãi không dám bước ra ngoài vì sợ gãy chân, nhưng nếu còn hai chân mà chỉ ngồi trong nhà, thì có khác gì người có đôi chân đã gãy?”. Cũng có người lý luận: người không bao giờ thất bại là người chẳng bao giờ làm gì cả. Nhưng không làm được điều gì ích lợi cho đời, lại chẳng phải là một thất bại thê thảm đó sao? Nhiều người đã thành đạt vì họ dám nghĩ, dám làm, mặc dù nhiều khó khăn thử thách, họ vẫn cố gắng vươn lên.
Trong tiếng hát ru con trên đây, người mẹ thấy rõ cuộc đời long đong lận đận, nhưng bà không nản chí: “Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời”. Người mẹ đã can đảm bước vào đời, dẫu biết rằng những khó khăn thử thách đang chờ phía trước. Giữa cuộc đời đầy bon chen ấy, bà còn luôn đồng hành với con trên đường đi học, vì biết rằng, con của bà phải vào trường học trước khi vào trường đời.
3 - Trường Giêsu
Đức Giêsu đã đón nhận đau khổ trong sự tín thác vào Chúa Cha. Đối diện với biến cố thập giá đang đến gần, người cảm thấy lo sợ. Lời cầu nguyện của Người đã diễn tả sự lo sợ ấy: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Trong tâm trạng lo buồn sợ hãi, Đức Giêsu tin chắc Chúa Cha ở luôn với Người. Người dành sự ưu tiên cho Chúa Cha, coi thánh ý của Chúa Cha là đích điểm tối thượng của đời Người. Chính sự xác tín này đã dẫn Người đến phần tiếp theo của lời cầu nguyện: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26 39). Đức Giêsu đã đón nhận thập giá, để biến đổi thập giá thành phương tiện cứu rỗi muôn dân.
Thánh Phaolô nói về Đức Giêsu như một “Học trò” xuất sắc của “trường đời”: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,8). Chính trong đau khổ mà Đức Giêsu thấy giá trị của vâng phục. Nói cách khác, Người đã muốn dùng đau khổ để thể hiện sự tuân phục của Người đối với Chúa Cha.
Kinh nghiệm của Đức Giêsu không phải là vô nghĩa. Tác giả thư Do Thái viết tiếp: “Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9). Đức Giêsu đã khởi đi từ kinh nghiệm trường đời để rồi chính Người trở nên trường học cho tất cả những ai muốn nên hoàn thiện: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Những ai học nơi mái trường Giêsu sẽ lĩnh hội được những kiến thức căn bản để làm người và làm con Chúa, vì tất cả mọi đức tính tốt lành đều đến từ sự khiêm nhường “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta về sự khiêm nhường tự hạ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình , vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Những tín hữu Kitô đang là những học trò trong mái trường Giêsu. Chính Người là thày dạy chúng ta. Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta bằng lời, nhưng chính bằng cả cuộc đời của Người. Người cũng không chỉ dạy chúng ta trong những giờ “lên lớp” ở giảng đường, nhưng Người luôn giáo huấn chúng ta mỗi phút giây của cuộc sống, nhờ đó, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay vui chơi, cuộc đời chúng ta luôn thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, vì “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vâng, chính trong mái trường Giêsu mà Bạn và tôi đang học hỏi và phấn đấu mỗi ngày. Xin cho chúng ta chuyên tâm học với Thày Giêsu, vì nơi Người chúng ta tìm được những Lời ban sự sống đời đời (x. Ga 7,68).
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Giáo Phận Hải Phòng

Tân Sa Châu: Số "Sĩ Tử" đợt 2 gia tăng

Tân Sa Châu: Số "Sĩ Tử" đợt 2 gia tăng

Dự kiến ban đầu, giáo xứ Tân Sa Châu chỉ tiếp nhận và phục vụ chỗ ăn ở cho 150 thí sinh, nhưng con số thực tế tới chiều 08-7-2011 đã lên tới trên 180 thí sinh. Các phòng học giáo lý kể như tận dụng hết làm chỗ ăn chỗ ở cho các thí sinh mà vẫn không đủ. Hội đồng mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) phải triển khai gửi một số thí sinh tới các gia đình bà con trong xứ.



Ngoài số thí sinh đến từ các tỉnh thành của đợt 1 như: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Thuận, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phước Long, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và huyện Cần giờ TPHCM, trong đợt 2 này, còn có một số thí sinh đến từ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.

Trong những ngày này, các tình nguyện viên của ban hậu cần giáo xứ phải hoạt động từ 3 giờ sáng tới 9 giờ tối mới có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết về ăn uống cho các thí sinh. Vì thời gian buổi sáng của các thí sinh rất hạn chế nên các thí sinh chỉ được điểm tâm hai món là bánh mì kẹp thịt và uống nước tinh khiết.

 


Có những phát sinh ngoài dự tính. Lúc đầu chỉ dự tính chuyên chở các thí sinh trong hai ngày thi chính thức; còn ngày đầu tới coi trường và phòng thi thì để các thí sinh tự đi. Nhưng vì có quá nhiều thí sinh ở những vùng sâu vùng xa chưa một lần ra tỉnh thành nên ông Chủ tịch HĐMV phải kêu gọi bà con mang xe gắn máy tới chở các em tới các trường xa để coi trường, coi phòng thi và đóng lệ phí. Những trường cách nhà thờ từ 500m đến 2000m thì có người hướng dẫn cho các thí sinh tự đi bộ. Tuy có một số trường ở gần, nhưng mỗi ngày HĐMV vẫn phải điều động hàng trăm "bác tài xe ôm tình nguyện" thì mới có thể đáp ứng nhu cầu chuyên chở cho các thí sinh tới các trường ở xa.



 










Thay vì các thí sinh phải tới chào chủ nhà, Ông Đaminh Phạm Đức Hóa, chủ tịch HĐMVGX đã mời các em sinh hoạt vòng tròn với các bạn trẻ trong giáo xứ tại sân nhà thờ vào lúc 8 giờ tối. Đồng thời, mời Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết tới hiện diện để các thí sinh biết chủ nhà và chào mừng ngài. Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, có nhiều em quên các giấy tờ tùy thân phải trở về lấy, lần này Cha chánh xứ căn dặn kỹ hơn. Và ngài vẫn không quên lặp lại một điều rất quan trọng là "Hãy nói không trong thi cử. Không nên mang tài liệu vào phòng thi. Không nên quay cóp bài của bạn". Ngài cũng có ý nói riêng cho các thí sinh Công Giáo rằng: "Quay cóp là lỗi đức công bình và lỗi điều răn Chúa dạy vì đó là làm điều gian dối".

Để các thí sinh an tâm về sức khỏe, linh mục phụ tá Đaminh Nguyễn Văn Trọng đã giới thiệu cho các thí sinh biết: có bác sĩ Nguyễn Đát Lý, trưởng khoa nội bệnh viện Trưng Vương tình nguyện viên giúp các em khi cần trong suốt kỳ thi. Và bác sĩ cũng cho hay là đã có gần hai chục thí sinh tới khám và xin thuốc trong buổi chiều nay. 


Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, ông chủ tịch  HĐMVGX nhắc các em: đúng 5 giờ sáng, các em sẽ điểm tâm tại sân nhà thờ; đồng thời có 2 chiếc xe Dasu và hàng trăm bác tài xe ôm tình nguyện đưa đón các em tới trường thi đúng giờ nên các em cứ an tâm nghỉ đêm để chuẩn bị cho ngày ra quân được tốt đẹp.

Nhật Tân

THỬ THÁCH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Vì Danh Thầy
(8.7.2011 – Thứ sáu Tuần 14 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.”

Suy nim:

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,
có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.
Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.
Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.
Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,
50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,
hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.
Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,
giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.
Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,
và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.
Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.
Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.
Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,
vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.
Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:
bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,
bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).
Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.
Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).
Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),
để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.
Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).
Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.
Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.
Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.
Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,
biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).
Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,
là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,
vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,
khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.
Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.
Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu?
Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

Cầu nguyn:

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.
Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu
vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.
Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ