Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Sống mầu nhiệm thập giá

Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì (Mt 16,26).

 
CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Đi theo quan chức thế gian thì được chào mời với những lời lẽ đầy hoa mỹ, với những hứa hẹn đầy bổng lộc vật chất. Nhưng đi theo Đức Kitô thì ngược lại.
Tin Mừng thánh mattheu hôm nay cho thấy: khi tâm trí của các tông đồ hình như đang hướng về một lý tưởng thiên sai trần thế và có tính quốc gia thì Chúa Giêsu bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận bi đát đang chờ đợi Người. Số phận bi đát đang chờ đợi Đức Giêsu cũng có nghĩa là nó cũng đang chờ đợi các tông đồ, ở phía trước đoạn đường mà các ông đang tiến tới.
Nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu qua các trang Tin Mừng, chúng ta biết ngay sứ mạng của Người. Khi vừa chào đời, mạng sống của Người đã bị đe dọa. Khi vào cuộc sống công khai, Người đã bắt đầu đi dưới bóng cái chết; và cái chết càng lúc càng tỏ hiện rõ ràng hơn. Và hôm nay, Người muốn các môn đệ của Người ý thức rằng họ đang đi theo một vị Thầy đã chấp nhận một cuộc sống hiểm nghèo, thì mới đưa lại hạnh phúc cho người khác. Các tông đồ dường như không muốn hiểu sự thật phũ phàng này. Vì thế, Phêrô đã lên tiêng ngăn cản.
Phản ứng của Phêrô cũng là phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Vị tông đồ muốn có sự thoả hiệp, sự thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Mới đây còn là gương mẫu của người tin, nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường như Tên Cám Dỗ đã đề nghị. "Xin Thiên Chúa thương đừng để thầy gặp phải chuyện ấy".
Chúa Giêsu đã phải quở trách Phêrô rằng: "Anh cản lối Thầy": Phêrô trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp ngã. Mới đây Phêrô là “tảng đá trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ Phêrô thành tảng đá “cản lối Thầy.
Phêrô là người phát ngôn thay cho nhóm môn đệ, giống như ông đã tuyên xưng đức tin, với những lời lẽ của các môn đệ và lời tuyên xưng của Giáo Hội. Hẳn là Phêrô không chỉ phản đối nhằm phi bác đau khổ của Đức Giêsu, mà còn phi bác đau khổ của người môn đệ và của Giáo Hội. Đức Giêsu đã phản ứng rất mạnh mẽ với lời can gián của Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy. Lời này nhắc lại chước cám dỗ cuối cùng trong ba cám dỗ, khi Đức Giêsu loại bỏ việc thống trị thế giới theo đề nghị của ma quỷ.
Sau khi đã quở trách Phêrô, Đức Giêsu đưa ra giáo huấn về đời môn đệ. Quy luật sống của người môn đệ được tổng hợp trong ba điểm: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và bước theo. “Từ bỏ chính mình” là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác; tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình.
 “Vác thập giá mình” là chấp nhận bản án thập giá; tức là từ bỏ những tiện nghi thoải mái và cả mạng sống mình vì muốn trung thành với Đức Giêsu và với sứ mạng của Người.
“Bước theo” không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước cách sống của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ. Đau khổ của Đức Giêsu và đời môn đệ với các đau khổ thuộc về nhau. Ta chỉ có thể thực sự hiểu Đức Giêsu bằng cách bước theo Người trong đau khổ. Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là ai, nhưng ông không sẵn sàng sống theo sự hiểu biết ấy.
Khi dạy cách sống từ bỏ, khi dạy phải vác thập giá, phải chăng Đức Giêsu muốn cổ võ một tôn đau khổ, một tôn giáo đây những bi kịch? Không phải thế. Chúng ta phải đề phòng một cách hiểu méo mó thần học về thập giá: đau khổ trở thành mục tiêu, một giá trị tự nó thay vì chỉ là một phương tiện, một con đường đưa tới giải thoát. Người ta hiểu Tin Mừng chỉ nói về hy sinh, từ bỏ, hãm mình, chứ không nói đến niềm vui sướng hân hoan, sự vui thỏa (coi đây là những điều xấu!). Thật ra, đau khổ không bao giờ được nâng lên hàng “sự thiện Kitô giáo” cả. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy chịu đau khổ, nhưng là dạy sống. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy tích lũy các thiếu thốn, từ bỏ, hy sinh, nhưng là loại trừ chính những nguyên nhân gây ra những điều đó. Mục tiêu của con người là hạnh phúc, ơn gọi của con người là thực hiện một thiên đàng trên trái đất trước khi đạt tới thiên đàng trên trời. Đau khổ, hy sinh, đau đớn là cái giá phải trả để có niềm vui mà người Kitô hữu được mời gọi chinh phục cho được. Điểm nhắm của ngươi Kitô hữu thì ở trên cao, nhưng để đến được đó, phải chấp nhận vượt qua một con đường đầy dốc đá, gian khổ. Phải hy sinh một cái gì đó để không đánh mất điều chính yếu. Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải đau khổ, nhưng Ngài có thể yêu cầu họ chấp nhận đau khổ, nếu đó là nguồn làm phát sinh niềm vui cho kẻ khác.
Tâm lý chung của con người là thích dễ dãi, tự nó không phải là điều xấu; vì nó thúc đẩy những phát minh khoa học để phục vụ đời sống con người. Nhưng không thể áp dụng tâm lý thích dễ dãi ấy vào chuyện Nước Trời. Người ta cũng muốn mình chiếm được Nước Trời một cách dễ dàng thoải mái như vậy. Càng ít phải cố gắng, ít phải hy sinh bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Rút ngắn giờ kinh lễ, giảm thiểu việc ăn chay hãm mình, giữ đạo một cách tối thiểu sao cho khỏi sa hỏa ngục là được.
Với lối suy nghĩ và cách sống như thế, con người không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn con đường thập giá, con đường đau khổ để cứu độ con người. Tại sao Người không chỉ phán một lời tha tội cho con người có phải dễ dàng hay không?
Cho dù con người suy nghĩ thế và muốn thế nhưng Thiên Chúa thì khác. Người vẫn chọn con đường thập giá, chọn những hy sinh, chọn những thống khổ, chọn cái chết để cứu độ con người. Và Người kêu gọi những ai muốn tìm hạnh phúc, tìm niềm vui, tìm sự sống, tìm Nước Trời cũng hãy biết và hãy dám chọn lựa như Người. “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét