Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

TRƯỜNG ĐỜI


“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”

Lời ru ầu ơ bên nôi của người mẹ vùng Nam Bộ thật thân thương trìu mến, đồng thời diễn tả một định nghĩa về cuộc đời: cuộc đời là một trường học. Quả thế, cuộc đời là nơi dạy chúng ta thêm kinh nghiệm trưởng thành. Nơi trường đời, mỗi người cần phải cố gắng vươn lên, không được phép nản chí sờn lòng trước thất bại, dù đó là thất bại chua cay phũ phàng.
1-Trường học
Một khi đã bước vào cõi nhân sinh, chẳng có ai ngay từ ban đầu đã là người hoàn hảo. Cuộc sống đời này là một cuộc phấn đấu không ngừng để vượt lên mọi khó khăn. Cắp sách đến trường là một việc khó nhọc ngại ngùng đối với mọi lứa tuổi. Những ngày đầu tới trường quả là một cực hình đối với những cô bé cậu bé phải xa cha mẹ để bước vào môi trường xa lạ. Với thời gian, các em được học hành những kiến thức cần thiết để thành người. Tuổi học trò là một giai đoạn đẹp của cuộc sống. Đây là thời điểm nhân cách của các em được từng bước hình thành. Trong xã hội hiện đại hôm nay, vẫn tồn tại những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu, ỷ thế cậy quyền cha mẹ, chẳng chịu học hành. Vì thế mới xuất hiện những tấm bằng mua. Đây không phải là bằng giả mà là bằng thật hẳn hoi. Chỉ có kiến thức là giả mà thôi. Đối với những người có kiến thức giả thì tương lai và sự nghiệp của họ cũng chỉ là hão huyền, vô thực. Bên cạnh một số ít con nhà giàu cậy quyền cha mẹ, có rất nhiều học sinh, sinh viên đã can đảm vượt khó, phấn đấu học hành. Có những người cha người mẹ đáng khâm phục, suốt đời một nắng hai sương, long đong tần tảo, nhưng vẫn đầu tư cho con học đại học, đem lại sự thành đạt và một tương lai vững vàng cho con cái.
Thế rồi giai đoạn học đường cũng đến hồi kết thúc. Các em học sinh chia tay vào mùa hoa phượng, trong sự lưu luyến của tình bạn và âu lo về sự nghiệp tương lai. Nhiều bạn trẻ luyến tiếc tuổi học trò, nhưng không thể níu kéo thời gian. Họ chỉ còn giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp của một thời vô tư đã qua. Kết thúc trường học, các em phải lo bước vào trường đời.
Môi trường giáo dục lành mạnh, những thày cô giáo tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”, sự cộng tác của các bậc phục huynh, đó là những yếu tố căn bản làm nên nhân cách con người của xã hội tương lai. Đã có nhiều tác giả lên tiếng về một nền giáo dục bất cập. Đã có nhiều vụ việc liên quan đến tư cách của nhà giáo, điển hình như vụ hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Việt Lâm (tỉnh Hà Giang) Sầm Đức Xương đã có hành động đồi bại với nữ sinh. Chúng ta ước mong và cùng cộng tác để những thế hệ tương lai được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, đặt nền trên huấn luyện lương tâm đạo đức con người, “Tiên học lễ, hậu học văn”.
2 - Trường đời
Nếu ai lười biếng khi còn ở trường học, thì sẽ phải trả giá khi bước vào trường đời, vì trường đời rất khắt khe và nghiệt ngã. Ngôn ngữ bình dân gọi những thất bại trong cuộc sống là “học phí”. Một người thiếu kinh nghiệm kinh doanh mà liều lĩnh bước vào thương trường, sẽ phải trả “học phí” là thua lỗ nhiều khi đến khuynh gia bại sản. Một người thiếu năng lực mà dám đứng ở cương vị lãnh đạo, sẽ phải trả “học phí” là sự thất bại và mất hết uy tín. Như thế, một khi muốn thành đạt ở đời, chẳng có ai thoát khỏi việc học vấn, điều khác biệt chỉ là nơi chốn hay tên gọi của trường học mà thôi. Sự khắt khe đúng mức của cha mẹ đối với con cái là nhân tố quan trọng để đứa trẻ nên người. Sự nghiệt ngã của trường đời cũng là điều kiện thiết yếu để con người được tôi luyện. Như những học sinh khi ngồi ghế nhà trường luôn cần mẫn chuyên chăm học hỏi để trau dồi những kiến thức trước khi vào đời, mỗi người sống trong trường đời cũng phải thiện chí tiếp thu kinh nghiệm từ những người khôn ngoan, để có thể thêm nghị lực sống. “Thắng lợi không kiêu, thất bại không nản”, đó là bí quyết giúp ta thành công. “Học, hỏi, hiểu, hành”, đó là nấc thang giúp ta thăng tiến. “Nước chảy mãi mà không thôi thì lâu ngày thành sông lớn, người học mãi mà không thôi thì thành bậc hiền tài” (Sách Tính Lý). Sự kiên trì trong học hành là chìa khoá của thành đạt. Bằng lòng với mình trong say men chiến thắng làm con người mất chí khí vươn cao. Đừng quên rằng, nếu tôi chiến thắng hôm nay, tôi cũng có thể sẽ thất bại ngày mai. Như người lính ở chiến trường phải luôn thận trọng cảnh giác, con người sống giữa trần gian luôn phải tỉnh thức canh chừng. Thiếu cảnh giác sẽ dễ dàng thất bại, thiếu tỉnh thức sẽ chìm trong u mê. Người ta giỏi mấy cũng vẫn phải học, làm thầy trong lãnh vực này, nhưng lại phải làm trò trong lãnh vực kia. Không ai là toàn năng, trừ một mình Thiên Chúa. Chính vì thế, khi được “ném” vào lòng đời, con người bắt đầu cuộc-đời-học-vấn. Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay thì họ mới thực sự “tốt nghiệp” trường đời. Tấm bằng cấp “tốt nghiệp trường đời” không phải do con người mà là chính Thiên Chúa phong tặng.
Trong trường đời mênh mông rộng lớn, ta có thể tìm thấy ở mọi nơi mọi lúc những người thày dạy chúng ta. Alfred de Vigny đã viết: “Tôi chưa bao giờ gặp một người nào mà tôi không tìm thấy ở họ một cái gì đáng cho tôi học hỏi”. Những kinh nghiệm của người già, những câu hỏi đơn sơ của người trẻ, những biến cố sự kiện xảy đến xung quanh chúng ta, xem ra như vô tình, mà lại dạy chúng ta những bài học rất thiết thực để giúp ta “thành người”.
Trường đời cũng dạy cho chúng ta sự mạnh dạn can đảm, vì lửa thử vàng, gian nan thử đức. Nếu không thử, làm sao biết sức mình. Một tác giả đã viết: “Có người suốt đời sợ hãi không dám bước ra ngoài vì sợ gãy chân, nhưng nếu còn hai chân mà chỉ ngồi trong nhà, thì có khác gì người có đôi chân đã gãy?”. Cũng có người lý luận: người không bao giờ thất bại là người chẳng bao giờ làm gì cả. Nhưng không làm được điều gì ích lợi cho đời, lại chẳng phải là một thất bại thê thảm đó sao? Nhiều người đã thành đạt vì họ dám nghĩ, dám làm, mặc dù nhiều khó khăn thử thách, họ vẫn cố gắng vươn lên.
Trong tiếng hát ru con trên đây, người mẹ thấy rõ cuộc đời long đong lận đận, nhưng bà không nản chí: “Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời”. Người mẹ đã can đảm bước vào đời, dẫu biết rằng những khó khăn thử thách đang chờ phía trước. Giữa cuộc đời đầy bon chen ấy, bà còn luôn đồng hành với con trên đường đi học, vì biết rằng, con của bà phải vào trường học trước khi vào trường đời.
3 - Trường Giêsu
Đức Giêsu đã đón nhận đau khổ trong sự tín thác vào Chúa Cha. Đối diện với biến cố thập giá đang đến gần, người cảm thấy lo sợ. Lời cầu nguyện của Người đã diễn tả sự lo sợ ấy: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Trong tâm trạng lo buồn sợ hãi, Đức Giêsu tin chắc Chúa Cha ở luôn với Người. Người dành sự ưu tiên cho Chúa Cha, coi thánh ý của Chúa Cha là đích điểm tối thượng của đời Người. Chính sự xác tín này đã dẫn Người đến phần tiếp theo của lời cầu nguyện: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26 39). Đức Giêsu đã đón nhận thập giá, để biến đổi thập giá thành phương tiện cứu rỗi muôn dân.
Thánh Phaolô nói về Đức Giêsu như một “Học trò” xuất sắc của “trường đời”: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,8). Chính trong đau khổ mà Đức Giêsu thấy giá trị của vâng phục. Nói cách khác, Người đã muốn dùng đau khổ để thể hiện sự tuân phục của Người đối với Chúa Cha.
Kinh nghiệm của Đức Giêsu không phải là vô nghĩa. Tác giả thư Do Thái viết tiếp: “Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9). Đức Giêsu đã khởi đi từ kinh nghiệm trường đời để rồi chính Người trở nên trường học cho tất cả những ai muốn nên hoàn thiện: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Những ai học nơi mái trường Giêsu sẽ lĩnh hội được những kiến thức căn bản để làm người và làm con Chúa, vì tất cả mọi đức tính tốt lành đều đến từ sự khiêm nhường “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta về sự khiêm nhường tự hạ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình , vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Những tín hữu Kitô đang là những học trò trong mái trường Giêsu. Chính Người là thày dạy chúng ta. Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta bằng lời, nhưng chính bằng cả cuộc đời của Người. Người cũng không chỉ dạy chúng ta trong những giờ “lên lớp” ở giảng đường, nhưng Người luôn giáo huấn chúng ta mỗi phút giây của cuộc sống, nhờ đó, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay vui chơi, cuộc đời chúng ta luôn thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, vì “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vâng, chính trong mái trường Giêsu mà Bạn và tôi đang học hỏi và phấn đấu mỗi ngày. Xin cho chúng ta chuyên tâm học với Thày Giêsu, vì nơi Người chúng ta tìm được những Lời ban sự sống đời đời (x. Ga 7,68).
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Giáo Phận Hải Phòng

Tân Sa Châu: Số "Sĩ Tử" đợt 2 gia tăng

Tân Sa Châu: Số "Sĩ Tử" đợt 2 gia tăng

Dự kiến ban đầu, giáo xứ Tân Sa Châu chỉ tiếp nhận và phục vụ chỗ ăn ở cho 150 thí sinh, nhưng con số thực tế tới chiều 08-7-2011 đã lên tới trên 180 thí sinh. Các phòng học giáo lý kể như tận dụng hết làm chỗ ăn chỗ ở cho các thí sinh mà vẫn không đủ. Hội đồng mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) phải triển khai gửi một số thí sinh tới các gia đình bà con trong xứ.



Ngoài số thí sinh đến từ các tỉnh thành của đợt 1 như: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Thuận, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phước Long, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và huyện Cần giờ TPHCM, trong đợt 2 này, còn có một số thí sinh đến từ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.

Trong những ngày này, các tình nguyện viên của ban hậu cần giáo xứ phải hoạt động từ 3 giờ sáng tới 9 giờ tối mới có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết về ăn uống cho các thí sinh. Vì thời gian buổi sáng của các thí sinh rất hạn chế nên các thí sinh chỉ được điểm tâm hai món là bánh mì kẹp thịt và uống nước tinh khiết.

 


Có những phát sinh ngoài dự tính. Lúc đầu chỉ dự tính chuyên chở các thí sinh trong hai ngày thi chính thức; còn ngày đầu tới coi trường và phòng thi thì để các thí sinh tự đi. Nhưng vì có quá nhiều thí sinh ở những vùng sâu vùng xa chưa một lần ra tỉnh thành nên ông Chủ tịch HĐMV phải kêu gọi bà con mang xe gắn máy tới chở các em tới các trường xa để coi trường, coi phòng thi và đóng lệ phí. Những trường cách nhà thờ từ 500m đến 2000m thì có người hướng dẫn cho các thí sinh tự đi bộ. Tuy có một số trường ở gần, nhưng mỗi ngày HĐMV vẫn phải điều động hàng trăm "bác tài xe ôm tình nguyện" thì mới có thể đáp ứng nhu cầu chuyên chở cho các thí sinh tới các trường ở xa.



 










Thay vì các thí sinh phải tới chào chủ nhà, Ông Đaminh Phạm Đức Hóa, chủ tịch HĐMVGX đã mời các em sinh hoạt vòng tròn với các bạn trẻ trong giáo xứ tại sân nhà thờ vào lúc 8 giờ tối. Đồng thời, mời Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết tới hiện diện để các thí sinh biết chủ nhà và chào mừng ngài. Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, có nhiều em quên các giấy tờ tùy thân phải trở về lấy, lần này Cha chánh xứ căn dặn kỹ hơn. Và ngài vẫn không quên lặp lại một điều rất quan trọng là "Hãy nói không trong thi cử. Không nên mang tài liệu vào phòng thi. Không nên quay cóp bài của bạn". Ngài cũng có ý nói riêng cho các thí sinh Công Giáo rằng: "Quay cóp là lỗi đức công bình và lỗi điều răn Chúa dạy vì đó là làm điều gian dối".

Để các thí sinh an tâm về sức khỏe, linh mục phụ tá Đaminh Nguyễn Văn Trọng đã giới thiệu cho các thí sinh biết: có bác sĩ Nguyễn Đát Lý, trưởng khoa nội bệnh viện Trưng Vương tình nguyện viên giúp các em khi cần trong suốt kỳ thi. Và bác sĩ cũng cho hay là đã có gần hai chục thí sinh tới khám và xin thuốc trong buổi chiều nay. 


Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, ông chủ tịch  HĐMVGX nhắc các em: đúng 5 giờ sáng, các em sẽ điểm tâm tại sân nhà thờ; đồng thời có 2 chiếc xe Dasu và hàng trăm bác tài xe ôm tình nguyện đưa đón các em tới trường thi đúng giờ nên các em cứ an tâm nghỉ đêm để chuẩn bị cho ngày ra quân được tốt đẹp.

Nhật Tân

THỬ THÁCH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Vì Danh Thầy
(8.7.2011 – Thứ sáu Tuần 14 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.”

Suy nim:

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,
có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.
Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.
Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.
Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,
50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,
hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.
Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,
giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.
Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,
và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.
Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.
Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.
Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,
vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.
Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:
bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,
bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).
Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.
Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).
Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),
để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.
Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).
Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.
Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.
Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.
Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,
biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).
Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,
là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,
vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,
khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.
Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.
Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu?
Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

Cầu nguyn:

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.
Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu
vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.
Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ