Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

THÁNH LỄ TRÊN BỜ BIỂN




Thánh lễ trên bãi biển
Cách sống hiệp thông & đem đạo vào đời

“Chính Đức Giêsu Kitô đã quy tụ chúng ta nơi đây để chúng ta sống hiệp thông. Sự hiệp thông của chúng ta được biểu lộ qua lời kinh, qua tiếng hát. Sự hiệp thông của chúng ta được biểu lộ qua việc cùng nhau bẻ bánh”.


CỘNG ĐOÀN HIỆP DÂNG THÁNH LỄ.              Ảnh: Quang Thịnh

"Hãy đến tung hô Chúa, reo mừng Đấng cứu thoát ta"… Bài ca nhập lễ vang lên rộn rã đúng lúc 5 giờ 30 sáng như phá tan sự tĩnh lặng sau một đêm dài ở khu du lịch Mũi Né. Lời bài ca vừa dứt cha Giuse Trần Văn Lưu, chánh xứ Nam Hòa, phó hạt trưởng hạt Chí Hòa thuộc Tổng giáo phận TPHCM đã khởi sự thánh lễ với lời chào thân thương tới cộng đoàn.

Sau lời chào, cha Giuse giới thiệu với cộng đoàn linh mục đồng tế bên cạnh ngài là cha Đaminh Nguyễn Văn Trọng, phụ tá cha chánh xứ Tân Sa Châu, cũng là người anh em linh mục cùng hạt Chí Hòa với ngài. Ngài nói lên niềm vui vì lần đầu tiên được dâng lễ trước ánh bình minh, trên bờ biển có đông đảo bà con tham dự. Ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã quy tụ mọi người nơi đây để hiệp dâng thánh lễ sáng Thứ Ba, tuần IV Phục Sinh, trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.

Thánh lễ được cử hành ngay trước cửa nhà nghỉ của khu du lịch Thùy Trang, không được trang hoàng băng rôn khẩu hiệu, không có đàn nhạc nhưng thật trang nghiêm, sốt sắng. Bàn thờ dâng lễ thật đơn sơ, chỉ là chiếc bàn nhỏ, bằng Inox mượn của khu du lịch, được trải lớp khăn trắng. Trên mặt bàn có Tượng Chịu Nạn nhỏ với hai ly nến và bộ đồ lễ của cha Giuse mang theo. Mọi người quây quanh bàn thờ cùng hiệp ý với cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn vì được qua một đêm an lành; đồng thời, xin Chúa chúc lành ngày mới, cho chuyến du lịch được an toàn và vui tươi.

Thánh lễ kiến tạo sự hiệp thông
Tuy không cùng xứ đạo nhưng bà con đồng một lòng, một ý hát lên những lời ca và những câu kinh quen thuộc làm cho thánh lễ thật sốt sắng. Số bà con tham dự thánh lễ có khoảng gần một trăm người. Phần lớn là quý vị Hội đồng mục vụ của giáo xứ Nam Hòa (HĐMV) và "Cộng đoàn cơ bản" (CĐCB) thuộc giáo xứ Tân Sa Châu. Còn lại một số ít là quý sơ dòng Đaminh Tam Hiệp và bà con giáo dân thuộc các giáo phận khác. 

Quý (HĐMV) của giáo xứ Nam Hòa có khoảng hai chục người, do cha sở dẫn đầu, đi viếng Đức Mẹ Tà Pao từ ngày hôm trước rồi ra Mũi Né tắm biển và nghỉ đêm tại khu du lịch Thùy Trang. Dự kiến của cha Giuse là sẽ dâng thánh lễ với tính cách nội bộ trong phòng nghỉ cho quý vị (HĐMV) của giáo xứ thôi. Nhưng được sự đồng ý của giám đốc công ty khu du lịch Thùy Trang, ngài đã mời cha phụ tá và bà con của (CĐCB) cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Chúa, ngay sân nhà nghỉ của khu du lịch.


 CHA CHỦ TẾ VÀ HĐMV XỨ NAM HÒA                                Ảnh: Quang Thịnh

        
Trong bài giảng, cha Giuse giải thích đôi nét về cách sống đạo của các Kitô hữu tiên khởi nơi bài đọc thứ nhất, được trích từ sách Tông Đồ Công Vụ. Ngài đã khéo liên hệ giữa cách sống đạo của các Kitô hữu "tiên khởi" với cái tên (CĐCB), tức là một số bà con đang hiệp dâng thánh lễ với Ngài. (CĐCB) là một hội đoàn của giáo xứ Tân Sa Châu, được thiết lập bởi cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, linh mục chánh xứ. Cũng có nơi gọi là "Cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản", gồm một nhóm các tín hữu, thuộc các giáo khu trong giáo xứ. Họ thường cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ đời sống và các kinh nghiệm đức tin, hầu nâng đỡ nhau và phát triển tình thân hữu trong Chúa. Thông qua Nhóm và Lời Chúa, họ đào sâu và nâng cao sự hiểu biết về Chúa Kitô, về Giáo Hội, về ơn gọi và nhiệm vụ riêng của mình. 

                                 CỘNG ĐOÀN CƠ BẢN GX TÂN SA CHÂU                Ảnh: Quang Thịnh



                    CHA CHỦ TẾ VÀ CỤ KÝ      Ảnh: Quang Thịnh
Trưởng hội (CĐCB) là cụ Gioan Trần Văn Ký, được biết gia đình cụ đã có những người anh em quảng đại dấn thân phục vụ Giáo Hội, anh của cụ là cha cố Luca Trần Văn Huy, nguyên giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Sài gòn, và Em của cụ là Đức ông Phanxico Borgia Trần Văn Khả, đã phục vụ Giáo Hội nhiều năm, tại Rôma. Riêng cụ đã ngoài "thất thập cổ lai hy" nhưng vẫn nhiệt tình phục vụ giáo xứ. Chính cụ là người đã tổ chức và hướng dẫn bà con đi viếng Đức Mẹ Tà Pao rồi về Mũi Né tắm biển. Vì cùng nghỉ lại tại khu du lịch Thùy Trang nên hai đoàn du lịch đã gặp nhau, và cùng hiệp dâng thánh lễ sáng với nhau. 

Sau khi nói về cách sống đạo của các Kitô hữu tiên khởi trong phần giải thích đoạn sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 11,19-26), cha Giuse liên hệ tinh thần sống đạo và tinh thần hiệp thông của (CĐCB) với lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Ga 10,22-30). Và Ngài kết thúc phần bài giảng với lời mời gọi hãy nhớ cầu nguyện cho các chủ chiên. Đồng thời, mỗi người cũng hãy là những con chiên ngoan, biết vâng lời chủ chiên, biết sống đúng lý tưởng của (CĐCB) và luôn sống tinh thần hiệp thông huynh đệ với anh chị em xung quanh. Đó cũng là cách rao giảng Tin Mừng Phục Sinh thật hữu hiệu và mang lại nhiều hoa trái.

Sống hiệp thông cũng là cách đem đạo vào đời
Những lời kinh và tiếng hát của cộng đoàn cùng với bài giảng thật diễn cảm của cha chủ tế như đã thuyết phục được rất nhiều người nơi khu du lịch. Trong thời gian thánh lễ diễn ra, dường như mọi công việc ở khu du lịch được tạm dừng để cho thánh lễ được thêm phần trang nghiêm. Dù không cùng tôn giáo nhưng các nhân viên của công ty cũng như một số đông du khách đều hướng nhìn về phía cộng đoàn tỏ vẻ cung kính. Hình như đây là lần đầu tiên họ được tận mắt xem lễ, và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên họ được nghe lời Chúa một cách rõ ràng trước cộng đoàn tín hữu.

Có thể nói, đây là cách đem đạo vào đời thật hữu hiệu. Bởi vì, thánh lễ ở nhà thờ thì chỉ những người có đạo được nghe lời Chúa và được nghe giảng về Chúa. Còn nơi bãi biển này, ngòai những tín hữu ra, có biết bao người chưa biết Chúa là ai; và biết đạo là gì thì hôm nay được xem lễ và nghe lời Chúa. Họ đã chứng kiến được sự yêu thương nhau của người Công giáo khi cùng nhau tham dự thánh lễ và cùng nhau chia sẻ những mẩu bánh nhỏ.

Nhìn vào đoàn người đông đảo cùng nhau chia sẻ Mình Thánh Chúa, tôi nghĩ tới tinh thần hiệp thông ngay tại bãi biển, nơi mà ai ai cũng chỉ muốn hưởng thụ, nơi mà ai ai cũng chỉ muốn dành cho mình một cõi riêng tư thì ở đây tinh thần hiệp thông đang lên tới đỉnh cao. Đúng như lời gợi ý đầu lễ của cha chủ sự. Ngài nói "Chính Đức Giêsu Kitô đã quy tụ chúng ta nơi đây để chúng ta sống hiệp thông. Sự hiệp thông của chúng ta được biểu lộ qua lời kinh, qua tiếng hát. Sự hiệp thông của chúng ta được biểu lộ qua việc cùng nhau bẻ bánh". Ngài cũng mong ước sự hiệp thông này cứ tái hiện mãi ở mọi nơi và mọi lúc.

Sau thánh lễ, quý sơ Đaminh và một số bà con ở các giáo phận khác tới cám ơn cha chủ tế. Vì nhờ ngài mà họ được tham dự thánh lễ thật sốt sắng và ý nghĩa, ngay khu du lịch. Sau đó, mọi người thăm hỏi nhau, chào nhau thân ái rồi chia tay để về theo đoàn của mình.

Thánh lễ hôm nay gợi lên cho tôi thấy được sự hiệp thông thật cụ thể, và đúng với tinh thần của Tin Mừng. Như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: "Ở đâu có hai ba người họp lại mà nhân danh Thầy thì có Thầy ở đó với họ" (Mt 18,20). Có lẽ, chẳng ai nghĩ tới chuyện mình đang rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho những ngoài Công giáo, nhưng chính lúc mọi người sống hiệp thông với nhau, sống yêu thương nhau, cùng nhau bẻ bánh lại là lúc những người khác nhận ra Tin Mừng cứu độ của Chúa.

                                                              
Dom. Nguyễn Văn Trọng
Lớp Viết tin 1, K2
Giáo xứ Tân Sa Châu




1 nhận xét:

  1. Thánh lễ trên bờ biển, Cha viết về tình hiệp thông giữa mọi người tuy không cùng nhau đi chung chuyến, chung cộng đoàn ...và nhất là một số khác tôn giáo nhưng hiệp nhất và tôn trọng nhau, tinh thần này hay quá. Cứ thế Cha nhé, có "lửa" lắm. Chúc bài viết cuối khóa của Cha đạt được điểm cao. Xin Thánh thần ở cùng Cha, Cha nhé.
    Con: tamdao k1

    Trả lờiXóa