Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Mầu nhiệm yêu thương




CHÚA BA NGÔI

Thánh Augustino, tiến sĩ trong Hội Thánh đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Khi đang suy nghĩ về khảo luận Một Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bất chợt, ngài thấy một em bé đang cầm chiếc vỏ sò múc nước đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài bèn hỏi: Này em bé kia, em làm gì thế? Em bé trả lời: Tôi muốn múc cạn nước biển để đổ vào chiếc lỗ này. Thánh nhân mỉm cười và nói: Con làm được điều đó thật sao? Em bé nghiêm nét mặt trả lời: Tôi có thể tát cạn biển này còn dễ hơn suy nghĩ của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Chúa Nhật hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo. Nếu đem so sánh sự hiểu biết của chúng ta với sự hiểu biết của thánh Augustino thì quả là như trời cao sánh với vực thẳm. Xét về phương diện xã hội thì ngài xứng đáng là một giáo sư tài ba. Xét về phương diện tôn giáo thì ngài quả là một thần học gia lỗi lạc. Vậy mà ngài còn chưa thể suy thấu Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thì chúng ta làm sao giám nghĩ tới. Tuy nhiên, trong khung cảnh của ngày lễ mừng trọng thể Chúa Ba Ngôi hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu và suy niệm.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quan trọng như thế nào trong Giáo Hội?
Làm sao chúng ta biết Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
Chúng ta phải sống với Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quan trọng như thế nào trong Giáo Hội?
Nói về Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải khẳng định ngay rằng Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm trung tâm và là Mầu Nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Gọi là trung tâm hay là nền tảng vì tất cả các mầu nhiệm khác đều xuất phát từ Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nếu không có Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thì không có các mầu nhiệm khác. Nếu không có Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thì không có Kitô giáo, cũng như không có Giáo Hội.
Làm sao chúng ta biết Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là màu nhiệm được Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết. Chúa Cha là Đấng yêu thương Chúa Con và đã sinh ra Chúa Con. Chúa Con là người được yêu và được cha sai vào thế gian. Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một ngôi vị đơn độc nhưng là ba ngôi hiệp thông với nhau. Nếu sống là sống với, sống cho, sống nhờ thì chúng ta có thể gặp được mẫu mực sống thật tuyệt vời nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi đó, đời sống của Chúa Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi gia đình, cho mọi tổ chức của con người trên thế giới.
Là con cái của Chúa Ba Ngôi và là phần tử của Giáo Hội tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi chúng ta phải sống như thế nào?
Chúng ta phải tôn Chúa Ba Ngôi với lòng tin yêu và sống noi gương Chúa Ba Ngôi. Muốn tôn thờ Chúa Ba Ngôi cho phải đạo, chúng ta phải năng tham dự phụng vụ, chuyên chăm cầu nguyện và năng lãnh các bí tích. Đỉnh cao của phụng vụ là thánh lễ. Thế nhưng một tuần với 168 giờ đồng hồ, chúng ta lo làm ăn, lo vui chơi giải trí chỉ có một giờ đồng hồ để tham dự thánh lễ mà vẫn còn bớt đầu bớt cuối. Đi trễ, về sớm thì quả thực chúng ta chưa sống phải đạo là con cái Chúa Ba Ngôi. Là người có nhưng chúng ta chỉ giữ đạo tùy hứng, khi vui thì đọc kinh cầu nguyện; khi buồn lại vái bai Chúa thì chúng ta thực sự là phần tử của Giáo Hội tuyên xưng vào niềm tin Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Cùng với việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải noi gương sống của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa hằng mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc sống của Ngài. Cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là một cuộc sống đầy tình yêu thương. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống hiến thân cho nhau, đừng sống ích kỷ cho riêng mình; nhưng hãy mở rộng đôi tay, mở rộng tầm nhìn và mở rộng tấm lòng với những người xung quanh. Có như vậy, chúng ta mới diễn tả đúng và đầy đủ cuộc sống làm người và làm con Chúa của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét