Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

THIÊN CHÚA KHOAN DUNG

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt (Mt 13,30).

Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để dạy các tông đồ. Đây là ba hình ảnh rất thực tế trong đời sống hằng ngày để giúp cho các tông đồ hiểu được những thực tại Nước Trời: dụ ngôn cỏ lùng là hình ảnh của sự dữ có trong Giáo Hội; dụ ngôn hạt cải là hình ảnh sự lớn mạnh của Nước Trời; và dụ ngôn nắm men là sự cảm hóa xã hội nhờ ảnh hưởng của những Kitô hữu tốt. Tuy nhiên, khuôn khổ của ngày lễ hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một dụ ngôn cỏ lùng và rút ra bài học áp dụng cho đời sống đạo của mỗi người chúng ta.
Lúa mì là một loại lương thực được trồng nhiều ở miền Palestina, lúc còn nhỏ rất khó phân biệt với cây cỏ. "Cỏ lùng" được dùng để diễn tả một loại cỏ dại. Loại cỏ dại này rất là giống cây lúa khi mới mọc lên, nên rất khó phân biệt với lúa. Chỉ khi trổ bông thì mới khác với lúa, lúc đó thì rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ một mình cỏ được. Vì thế, ông chủ đã không cho các đầy tớ đi nhổ cỏ vì sợ rằng: Khi nhổ cỏ, các đầy tớ sẽ nhổ cả lúa lên. Tại những vùng đồng bằng Việt Nam chúng ta, Ai đã từng gieo mạ thì cũng dễ hiểu dụ ngôn này. Khi cây mạ còn nhỏ, nếu ta nhìn thoáng qua thì chẳng thấy cây cỏ nào nhưng khi ngồi nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy có nhiều cây cỏ mọc lẫn với lúa. Thỉnh thoảng cũng có nhà nông trước khi gặt lúa phải đi cắt riêng cỏ lùng để ra một chỗ.
Như trên đã nói, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy các tông đồ hiểu được thực tại nước trời, và Ngài đã giải thích cho các tông đồ hiểu rõ: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống tốt là con cái Nước Trời, thửa ruộng là thế gian. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Nói tới ma quỷ là chúng ta có thể nghĩ ngay tới sự ác đã gieo vào thế gian, ngay từ tạo thiên lập địa. Thiên Chúa không làm ra sự ác. Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ, nhưng ma quỷ đã gieo sự ác vào thế gian. Ma quỷ đã làm cho con người phải đau khổ. Và do đó, thế giới loài người có khổ đau xen lẫn hạnh phúc. Có nước mắt xen lẫn nụ cười. Có người lành sống chung với kẻ dữ.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt giữa cỏ lùng và con người. Bản chất của cỏ dại thì mãi mãi vẫn là cỏ dại, cho nên đến thiên thu vạn đại nó vẫn không thể nào biến thành lúa tốt được. Còn cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, không thể biến thành cỏ dại, chỉ có điều là nó sinh nhiều bông hạt hay là ít bông hạt thôi, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được. Chúa Giêsu dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng để ám chỉ hai thực tại hiện hữu trong một con người. Đối với con người thì tốt hay xấu có thể hiện hữu trong cùng một con người. Do đó, con người có thể sửa đổi. Con người có thể sửa đổi từ một người xấu trở thành người tốt hoặc ngược lại. Con người có thể sửa đổi qua việc nghe lời Chúa. con người có thể sửa đổi nhờ thấm nhuần giáo huấn của Giáo Hội. Con người có thể sửa đổi qua việc tự vấn lương tâm của chính mình.
Đôi khi chúng ta cũng có tâm trạng như những đầy tớ trong dụ ngôn có lùng hôm nay. Khi thấy những kẻ làm điều ác chúng ta chỉ mong Thiên Chúa trừng trị ngay, chúng ta muốn cầu xin Chúa thẳng tay tiêu diệt không để nó tồn tại. Nhưng trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng bao dung và rất mực khoan dung. Là Đấng bao dung nên ngài chấp nhận để kẻ có tội cùng tồn tại với người lành trong một thế giới. Là Đấng rất mực khoan dung nên Ngài chờ đợi kẻ có tội biết hối cải, Ngài dành thời gian cho tội nhân biết ăn năn quay đầu trở lại. Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện Người ghét tội nhưng lại rất thương con người có tội. Chính vì thế Người mới kiên nhẫn với mỗi người chúng ta nơi cuộc sống đầy những tranh dành, đầy những oán ghét. Người chờ đợi cho đến ngày Tận thế. Người để cho con người có cơ hội hoán cải, để trở về với Thiên Chúa để hưởng ơn cứu độ của Ngài.
Thiết nghĩ, nếu Thiên Chúa thẳng tay trừng trị thì có khi chính chúng ta là những kẻ bị tiêu diệt trước. Bởi vì, chúng ta mệnh danh là con cái Chúa nhưng chúng ta cũng đầy dẫy những lỗi lầm với Chúa. Chúng ta vẫn lớn tiếng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của mọi người nhưng hỏi rằng chúng ta đã quan tâm giúp đỡ anh chị em chúng ta được bao nhiêu. Và như thế, Thiên Chúa khoan dung độ lượng. Thiên Chúa nhân hậu từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng là vì muốn cứu độ tất cả mọi người chúng ta.
Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có thời giờ để hoán cải. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban những lời giáo huấn để giúp chúng ta hoán cải. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban các Bí Tich là những phương thế giúp ta nên thánh thiện để sống xứng đáng là con cái Nước Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét