Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012


TỈNH THÚC VÀ SĂN SÀNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lc 12,35- 40

 (35) “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Đó là lời Chúa.

Kính Thưa Tang Quyến, Kính Thưa cộng đoàn,
Sự ra đi của Bà Anna là một nỗi đau thương, mất mát lớn cho gia đình. Là con, là cháu, là thân nhân, ân nhân bạn bè lối xóm chúng ta buồn phiền, chúng ta khóc thương người quá cố là phải lẽ. Nhưng đức tin Kitô giáo cho chúng ta niềm hy vọng. Vì chết không phải là chấm dứt cuộc đời mà là cửa ngõ mở cho ta đi vào cõi vĩnh hằng.
          Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ một tư tưởng là phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ngày sau hết. Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc và dễ hiểu về một người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về vào bất cứ lúc nào và phải mở cửa cho ông ngay. Khác với tập tục lễ cưới của chúng ta, người Do thái có thói quen đi ăn cưới vào ban đêm, bắt đầu từ khi mặt trời lặn. Có khi tiệc cưới kéo dài tới gần sáng. Người đầy tớ có trách nhiệm phải cầm đèn chờ ở cửa, khi chủ về thì mở cửa cho ông. Phúc cho đầy tớ nào còn thức chờ chủ về, ông sẽ khen thưởng, ngược lại, khi ông chủ về mà thấy đầy tớ còn bê trễ thì sẽ bị phạt.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu rằng ông chủ đây chính là Ngài, còn đầy tớ là các môn đệ. Ngài sẽ đến gọi các ông về với Ngài vào bất cứ lúc nào. Công việc của các ông là phải luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Tỉnh thức không có nghĩa là ngồi một chỗ khoanh tay mà đợi chờ. Để nói lên sự tỉnh thức đích thực, Chúa Giêsu  dùng hình ảnh của một người đầy tớ đêm ngày trung thành với công việc được chủ trao phó. Sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là sự tỉnh thức đích thực, một sự tỉnh thức (tích cực) đòi hỏi lao tác và phấn đấu. Sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là sự tỉnh thức với những công việc bổn phận của mỗi người phải thực hiện mỗi ngày. Bổn phận đối với Chúa. Bổn phận đối với chính mình và bổn phận đối với tah nhân.
          Một người thuộc bộ lạc miền núi chưa từng thấy ánh sáng văn minh. Một hôm ông ta tới thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên, ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được người chung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xẩy ra tại một khu phố. Người dân miền núi nhìn về ngọn lửa đang bốc cháy tại một góc trời, rồi ông trở lại giường ngủ tiếp.
          Trở về làng, ông báo cáo với các chức sắc trong làng rằng: người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt tức khắc. Nghe thế, các chức sắn trong làng sai người đi mua đủ mọi loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xẩy đến trong làng, tất cả dân làng đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin rằng tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng, ngọn lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng và thất vọng của mọi người.
          Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại diễn tiến cơn hoả hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng biết  “Các người thật ngây ngô, người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu”.
      Chúng ta đừng ngây ngô như người miền núi trên đây: tiếng trống không làm cho ngọn lửa  tắt, mà chỉ báo cho người ta biết có hỏa hoạn để họ tìm cách dập tắt lửa. Cũng thế, tuy chúng ta đã lãnh phép rửa tội nhưng đó không phải là lá bùa hộ mệnh có thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hay đương nhiên đưa chúng ta vào thiên đàng, chúng ta cần phải nỗ lực cộng tác với Chúa trong đời sống đức tin cho mạnh mẽ, phải thực thi đời sống đức ái thật nồng nàn. Chính nỗ lực riêng tư của ta cộng tác với Chúa mới dẫn ta vào Nước Trời, bởi vì như Chúa nói: muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp (Mt, 7,13). Muốn qua được cửa hẹp phải ép mình vào khuôn khổ sống theo lề luật của Chúa. Muốn qua được cửa hẹp phải dẹp bỏ đi những thứ cồng kềnh, bê tha tội lỗi. 
      Hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho bà Anna hôm nay là dịp cho mỗi người chúng ta kiểm điểm lại đời sống. Suốt cả Mùa Vọng mời gọi chúng ta hoán cải tâm hồn chờ đón Chúa đến, nhưng nay sắp hết Mùa Vọng rồi không biết chúng ta đã chuẩn bị được tới đâu. Đời sống người Kitô là một cuộc hành trình về nhà Cha. Cuộc hành trình dài hay ngắn do Chúa định, không ai biết. Vì không biết lúc nào nên chúng ta phải sẵn sàng, phải tỉnh thức. Phải luôn ý thức làm tròn bổn phận Chúa trao phó thì chúng ta mới mong được giải thoát.
Là con người, với bản tính yếu đuối, chắc hẳn bà Anna cũng có những lỗi lầm những thiếu sót khi còn tại thế. Là con, là cháu, là thân nhân, ân nhân bạn bè lối xóm chúng ta hãy cầu nguyện cho bà; đồng thời dâng những hy sinh cho bà. Xin Chúa thương tha thứ những lầm lỗi, những thiếu sót để bà được sớm về hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét